Kế toán môi trường (Environmental Accounting) là gì? Nội dung kế toán môi trường
Mục Lục
Kế toán môi trường (Environmental Accounting)
Kế toán môi trường - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Environmental Accounting.
Kế toán môi trường là sự phân tích, tính toán nhằm xác định một cách định lượng với độ chính xác nhất định về sự gia tăng hoặc suy thoái môi trường, dự trữ tài nguyên thiên nhiên trong một khoảng thời gian nào đấy do các hoạt động phát triển mang lại được biểu thị qua giá trị tiền tệ.
Kế toán môi trường xác định những dữ liệu thông tin về hiện trạng tài nguyên môi trường của các dự án đã, đang và sẽ hoạt động thông qua số liệu đo đạc đã được chỉnh lí thông qua đơn vị tiền tệ. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)
Nội dung kế toán môi trường
Với sự thay đổi giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường được tính bằng tiền theo thời gian sẽ giúp ta xác định được "lợi ích" hay "mất mát" do hoạt động phát triển mang lại. Việc xác định giá trị các tài nguyên môi trường bằng tiền nhiều khi rất khó khăn bởi vì nhiều loại tài nguyên môi trường rất khó định giá.
Một số loại nguyên vật liệu như gỗ, khoáng sản, đất đai, có thể định giá qua thị trường, song chất lượng không khí, chất lượng nước, đa dạng sinh học, tổn hại sức khỏe,... lại không thể hoặc rất khó định giá thông qua thị trường.
Tuy nhiên người ta vẫn tìm ra những phương pháp để ước tính giá trị tài nguyên môi trường bằng tiền. Tại nhiều nước đã xây dựng các phương pháp kế toán cụ thể đối với một số loại tài nguyên trên cơ sở các dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường.
Tất nhiên các con số đánh giá này chỉ là ước tính, không thể phản ánh hết giá trị của tài nguyên thiên nhiên, nhưng nếu sử dụng đồng nhất cách định giá sẽ cho phép chúng ta so sánh xu thế thay đổi của tài nguyên trong phạm vi toàn cầu.
Trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM), công tác kế toán môi trường giúp chúng ta sử dụng được các chỉ tiêu đánh giá kinh tế mở rộng cho các tác động.
Phương pháp phân tích chi phí và lợi ích mở rộng hiện đang là phương pháp dùng để so sáng hiệu quả kinh tế môi trường của các dự án khác nhau hoặc các phương án khác nhau trong cùng một dự án. Các chỉ tiêu đánh giá như giá trị hiện tại ròng, hệ số hoàn vốn nội tại hay tỉ số lợi ích chi phí (có tính đến chi phí, lợi ích môi trường) được áp dụng để đánh giá dự án rất có hiệu quả. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)