Kế hoạch đầu tư đa ngành (Multi Sectoral Investment Planning) là gì?
Mục Lục
Kế hoạch đầu tư đa ngành (Multi Sectoral Investment Planning)
Kế hoạch đầu tư đa ngành - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Multi Sectoral Investment Planning.
Kế hoạch đầu tư đa ngành là một phương pháp qui hoạch đô thị, là tiến trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành để lập các dự án ưu tiên xây dựng cơ bản, nó giúp chuyển hóa các kế hoạch trung hạn và dài hạn thành kế hoạch đầu tư hàng năm. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)
Đầu vào của kế hoạch đầu tư đa ngành là đầu ra của qui hoạch chiến lược hợp nhất, là các chiến lược phát triển.
Các chiến lược phát triển vạch ra cần chuyển thành các dự án để thực hiện các chiến lược đó, mỗi chiến lược có các dự án ứng với các chiến lược đề ra, tổng hợp dự án theo các chiến lược hình thành một danh sách dài (long list) các dự án, đó chính là kế hoạch trung hạn và dài hạn.
Để kế hoạch mang tính hành động, thành phố cần xác định chiến lược nào trong số các chiến lược cần ưu tiên thực hiện, tương ứng với các chương trình và dự án đi kèm. Có thể sử dụng phương pháp ma trận mục tiêu (Goal Achievement Method - GAM) định lượng, kết hợp với phương pháp định tính để xác định các danh mục ưu tiên cho thành phố, hình thành một danh sách ngắn (short list) kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm.
Phương pháp kế hoạch hóa tập trung
Phương pháp kế hoạch hóa tập trung là phương pháp qui hoạch đô thị được thực hiện theo cấp quản lí, bao gồm quản lí theo ngành và quản lí theo lãnh thổ. Được xây dựng trên cơ sở các định hướng chiến lược phát triển chung của quốc gia kết hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Phương pháp qui hoạch này được thực hiện theo phương thức 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Thành phố (Sở Kế hoạch - Đầu tư) gửi các dự báo, các mục tiêu tập trung, nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động khác trong kì kết hoạch cho các quận, huyện và các sở, ngành liên quan đề xuất dự thảo kế hoạch gởi về thành phố.
- Giai đoạn 2: Các cơ quan tổng hợp (Sở kế hoạch - Đầu tư) điều chỉnh kế hoạch tổng hợp sau khi có các kế hoạch từ dưới lên và góp ý của các sở, ban, ngành đồng thời hướng dẫn cấp dưới điều chỉnh lại trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, để làm căn cứ lập kế hoạch chính thức và tổ chức triển khai.
Hạn chế
- Các danh mục đầu tư chủ yếu tập trung danh mục của từng sở, ngành chuyển lên xin để xét duyệt, mang tính chất đơn ngành, theo cơ chế "xin - cho".
- Kế hoạch và chương trình đầu tư thiếu tính liên kết với các chương trình của các cơ quan cấp thành phố, không mang tính đa ngành, không có sự tham gia của đại diện cộng đồng.
- Kế hoạch chưa bao quát được toàn bộ của nền kinh tế quốc dân trong mọi thành phần kinh tế đặc biệt là khu vực tư nhân, thường không có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp.
- Các yếu tố xã hội và môi trường chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy chất lượng và hiệu quả của công tác kế hoạch hóa chưa cao. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)