ISO 9000 (International Standardization Organization 9000) là gì? Những triết lí cơ bản
Mục Lục
ISO 9000
ISO 9000 trong tiếng Anh được gọi là International Standardization Organization 9000.
ISO 9000 thực chất là một phương thức quản lí hay nói cách khác là hệ thống quản lí chất lượng chứ không phải chỉ là chất lượng sản phẩm.
ISO 9000 là tổng hợp, tổng kết và chuẩn hóa định hướng những thành tựu và kinh nghiệm quản lí chất lượng của nhiều nước giúp cho việc quản lí các doanh nghiệp, quản lí các định chế công ích một cách có hiệu quả hơn.
Có thể áp dụng bộ ISO 9000 để kiểm soát chất lượng ở bất kì loại hình tổ chức nào (doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, hiệp hội, ủy ban...).
Triết lí
Những triết lí cơ bản mà ISO 9000 đưa ra về một hệ thống quản lí chất lượng là phù hợp với những đòi hỏi của các doanh nghiệp hiện nay. Thể hiện ở những điểm sau:
- Hiệu quả chất lượng là vấn đề chung của toàn bộ tổ chức. Chỉ có thể tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ có chất lượng, có tính cạnh tranh cao khi mà cả hệ thống được tổ chức tốt - đó là sự phối hợp để cải tiến hoàn thiện lề lối làm việc.
- Phải làm đúng, làm tốt ngay từ ban đầu, từ khi chuẩn bị thực hiện công việc. Nêu cao vai trò phòng ngừa là chính trong mọi hoạt động của tổ chức.
Việc tìm hiểu, phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của hệ thống và những biện pháp phòng ngừa được tiến hành thường xuyên với những công cụ kiểm tra hữu hiệu.
- Thoả mãn tối đa nhu cầu của người tiêu dùng, của xã hội là mục đích của hệ thống đảm bảo chất lượng, do đó vai trò của nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hay nghiên cứu sản phẩm mới là rất quan trọng.
- Đề cao vai trò của dịch vụ theo nghĩa rộng, tức là quan tâm đến phần mềm của sản phẩm, đến dịch vụ sau bán hàng.
Việc xây dựng hệ thống phục vụ bán và sau bán hàng là một phần quan trọng của chiến lược sản phẩm, chiến lược cạnh tranh của một doanh nghiệp. Thông qua các dịch vụ này uy tín của doanh nghiệp ngày càng lớn và đương nhiên lợi nhuận sẽ tăng.
- Trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của tổ chức thuộc về từng người. Phân định rõ trách nhiệm của từng người trong tổ chức, công việc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Quan tâm đến chi phí để thoả mãn nhu cầu - cụ thể là đối với giá thành. Phải tìm cách giảm chi phí ẩn của sản xuất, đó là những tổn thất do quá trình hoạt động không phù hợp, không chất lượng gây ra, chứ không phải do chi phí đầu vào.
Điều nổi bật xuyên suốt bộ tiêu chuẩn ISO 9000 là các vấn đề liên quan đến con người.
Nếu không tạo điều kiện để tất cả mọi người nhận thức được đúng vai trò và tầm quan trọng của chất lượng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ và không tạo cho họ có điều kiện phát huy được mọi khả năng thì hệ thống chất lượng sẽ không đạt được kết quả như mong đợi.
Mục quản lí
Các yêu cầu của hệ thống quản lí chất lượng được sắp xếp trong 4 mục lớn:
- Trách nhiệm của quản lí/ lãnh đạo
- Quản lí nguồn lực
- Thực hiện sản phẩm
- Đo lường, phân tích và cải tiến
Phương pháp tiếp cận quá trình coi mọi hoạt động tiếp nhận đầu vào và chuyển hoá chúng thành các đầu ra là một quá trình. Một tổ chức thường phải quản lí nhiều quá trình có liên hệ mật thiết với nhau và đầu ra của quá trình này sẽ trở thành đầu vào của quá trình tiếp theo.
Phương pháp tiếp cận quá trình là việc xác định và quản lí một cách có hệ thống các quá trình đươc thực hiện trong 1 tổ chức và sự tương tác giữa chúng với nhau.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và quản lí tổ chức, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)