Mô hình phục hồi hình chữ W (W-Shaped Recovery) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Mô hình phục hồi hình chữ W
Khái niệm
Mô hình phục hồi hình chữ W trong tiếng Anh là W-Shaped Recovery.
Mô hình phục hồi hình chữ W là khái niệm được sử dụng khi hình dạng khi biểu diễn các thông số kinh tế nhất định như việc làm, GDP, sản lượng công nghiệp, v.v.. trên biểu đồ. Mô hình phục hồi hình chữ W đề cập đến một sự sụt giảm mạnh trong các số liệu này, sau đó tăng mạnh, tiếp theo là giảm mạnh trở lại và kết thúc với một sự gia tăng mạnh.
Phần giữa của mô hình phục hồi hình chữ W có thể đại diện cho một sự tăng giá trên thị trường đang giá xuống (bear market) hoặc một sự phục hồi bị kìm hãm bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế bổ sung.
Đặc điểm mô hình phục hồi hình chữ W
Mô hình phục hồi hình chữ W đại diện cho một giai đoạn biến động cực đoan hơn so với các loại mô hình phục hồi khác (mô hình phục hồi hình chữ L, hình chữ V, hình chữ U và hình chữ J).
Suy thoái dạng hình chữ W bắt đầu giống như suy thoái hình chữ V, nhưng sau khi có dấu hiệu phục hồi lại một cuộc suy thoái khác xuất hiện. Suy thoái hình chữ W còn được gọi là suy thoái kép do nền kinh tế trai qua suy thoái hai lần trước khi phục hồi hoàn toàn.
Suy thoái hình chữ W gây nhiều tổn hại hơn do nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường sau lẩn suy thoái đầu tiên vì họ tin rằng nền kinh tế đã chạm đáy, cuối cùng họ phải chịu thêm một cuộc suy thoái nữa trước khi nền kinh tế thực sự phục hồi lại.
Mỹ đã từng trải qua mô hình phục hồi hình chữ W vào đầu những năm 1980. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1980, nền kinh tế Mỹ đã trải qua thời kì suy thoái ban đầu, sau đó bước vào giai đoạn phục hồi gần một năm trước khi rơi vào cuộc suy thoái lần thứ hai vào năm 1981 đến 1982.
Mô hình phục hồi hình chữ W so với các mô hình khác
Mô hình phục hồi hình chữ V bắt đầu với một sự suy giảm mạnh theo sau là sự phục hồi nhanh chóng và bền vững. Điều này trái ngược với hiện tượng suy thoái kép của mô hình phục hồi hình chữ W. Suy thoái hình chữ V được xem là trường hợp suy thoái có kết quả tích cực nhất.
Một cuộc suy thoái hình chữ U bắt đầu với sự suy thoái chậm và dần đều đến khi chạm đáy, và ở lại điểm đáy một thời gian trước khi phục hồi trở lại. Mô hình phục hồi hình chữ L, mặt khác là loại suy thoái tồi tệ nhất. Nó bắt đầu bởi một cuộc suy thoái mạnh, theo sau đó là giai đoạn phục hồi rất chậm, thường là một thập kỉ trở lên. Đây là lí do tại sao suy thoái hình chữ L cũng được gọi là khủng hoảng kinh tế do nó mất quá nhiều thời gian để phục hồi.
Nhật Bản đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990 sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất vì lo ngại về sự gia tăng của thị trường chứng khoán và giá bất động sản. Sau khi tăng lãi suất, thị trường sụp đổ và tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Nhật Bản đã mất khoảng mười năm để phục hồi sau sự kiện này.
Các ý chính
- Mô hình phục hồi hình chữ W diễn tả một nền kinh tế khi thoát khỏi cuộc suy thoái đầu tiên ngay lập tức chuyển sang một cuộc suy thoái khác trước khi hoàn toàn phục hồi.
- Các nhà kinh tế sử dụng các chỉ số hiệu quả kinh tế tạo nên biểu đồ và xác định hình dạng suy thoái của nền kinh tế.
- Suy thoái hình chữ W có thể gây nhiều tổn thất hơn do sự phục hồi ngắn hạn có thể lừa các nhà đầu tư quay lại thị trường quá sớm.
(Theo Investopedia)