Hợp đồng mua bán hàng hóa (Commodity trading contracts) là gì?
Mục Lục
Hợp đồng mua bán hàng hóa (Commodity trading contracts)
Hợp đồng mua bán hàng hóa tiếng Anh là Commodity trading contracts.
Theo Khoản 8, Điều 3, Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa
Về chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa là bên mua và bên bán hàng hóa.
Theo qui định của Luật Thương mại 2005, ít nhất một trong các bên chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa là thương nhân. Thương nhân bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh. Thương nhân có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc mang quốc tịch nước ngoài.
Bên cạnh đó, chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa còn là các tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động liên quan đến thương mại hoặc chủ thể không phải là thương nhân tham gia hợp đồng mua bán không nhằm mục đích lợi nhuận. Trong đó, thương nhân là chủ thể thường xuyên của quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.
Về đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo Luật Thương mại năm 2005, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản được hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai.
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa phải được phép giao dịch trên thị trường. Nghĩa là hàng hóa không thuộc danh mục những đối tượng mà Nhà nước cấm kinh doanh. Đối với những hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi các bên tham gia và hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật qui định.
Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện để kinh doanh hàng hóa đó do Chính phủ qui định và sửa đổi, bổ sung theo từng điều kiện kinh tế - xã hội. Trong hợp đồng, hàng hóa phải được xác định rõ (nếu là vật) và phải có căn cứ xác thực chứng minh thuộc quyền sở hữu của bên bán.
Về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa
Hình thức thể hiện nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là lời nói, văn bản, hay hành vi cụ thể của các bên. Trường hợp pháp luật không qui định loại hợp đồng đó phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định, thì có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản, hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên.
Trường hợp pháp luật qui định loại hợp đồng đó phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định như: văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng kí hoặc xin phép thì phải tuân theo các qui định đó.
Văn bản hợp đồng có thể do các bên thỏa thuận lập hoặc có thể lập theo mẫu. Phụ lục hợp đồng cũng được coi là một trong các hình thức của hợp đồng và có hiệu lực như hợp đồng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, hợp đồng mua bán hàng hóa rất đa dạng không chỉ về chủ thể tham gia mà còn về đối tượng của hợp đồng. Căn cứ vào các dấu hiệu chủ thể, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng, có thể xác định được hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa vào các yêu tố như: chủ thể giao kết và thực hiện hợp đồng; đối tượng hợp đồng; nơi giao kết và thực hiện hợp đồng.
Theo Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm các loại hợp đồng sau: Hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hợp đồng tạm nhập, tái xuất hàng hóa; Hợp đồng tạm xuất, tái nhập hàng hóa; và Hợp đồng chuyển khẩu hàng hóa.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)