Học hỏi (Learning) là gì? Sự cần thiết phải quan tâm đến quá trình học hỏi
Mục Lục
Học hỏi (Learning)
Học hỏi trong tiếng Anh là Learning. Học hỏi là bất kì sự thay đổi tương đối bền vững nào về nhận thức và hành vi diễn ra do kết quả của quá trình trải nghiệm.
Như vậy, học hỏi là một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức. Học hỏi phải dẫn đến sự thay đổi tương đối bền vững về nhận thức và hành vi của cá nhân.
Sự cần thiết phải quan tâm đến quá trình học hỏi
Tại sao chúng ta cần phải quan tâm đến quá trình học hỏi của cá nhân?
- Thứ nhất, học hỏi giúp cá nhân thích nghi với sự thay đổi của tổ chức và của môi trường kinh doanh.
Bằng cách thay đổi hành vi cho phù hợp với các điều kiện đang thay đổi, cá nhân trở thành những người lao động có năng lực.
- Học hỏi được xây dựng dựa trên qui luật ảnh hưởng, qui luật cho rằng hành vi phụ thuộc vào những hệ quả của nó. Hành vi mà theo sau nó là một hệ quả không thuận lợi thường không được lặp lại; hành vi mà theo sau nó là một hệ quả thuận lợi thường được lặp lại.
Ví dụ, sếp của bạn khen ngợi về phương thức bán hàng của bạn thì nhất định bạn sẽ lặp lại hành vi bán hàng tốt đó. Ngược lại, nếu bạn bị khiển trách vì phương thức bán hàng đó thì nhất định bạn sẽ không lặp lại hành vi đó nữa.
- Điểm then chốt của quá trình học hỏi là cơ chế học hỏi. Có hai cơ chế học hỏi là định hình và bắt chước. Cụ thể:
+ Khi việc học hỏi diễn ra từng bước một, nó được định hình.
Các nhà quản lí định hình hành vi của nhân viên bằng việc củng cố một cách hệ thống các hành vi và thái độ, thông qua các phần thưởng, mỗi bước kế tiếp đưa nhân viên đến gần hành vi mong muốn.
Phần lớn việc học hỏi của chúng ta được thực hiện dưới hình thức định hình. Rút ra những bài học từ sai lầm là học hỏi thông qua định hình.
Chúng ta thử, chúng ta thất bại, rồi chúng ta lại thử. Thông qua những loạt thử - sai - sửa như vậy, phần lớn chúng ta làm chủ được những kĩ năng như đi xe đạp, làm toán, ghi chép trên lớp và trả lời những bài thi trắc nghiệm.
+ Ngoài cơ chế định hình ra, người ta còn học hỏi thông qua quan sát những người khác và bắt chước hành vi của họ.
Trong khi quá trình học hỏi, quá trình thử – sai – sửa thường diễn ra chậm, bắt chước có thể nhanh chóng tạo ra những thay đổi về hành vi.
Chẳng hạn, khi gặp bài toán hoặc câu hỏi khó, người ta thường nhìn quanh xem trong lớp người nào có vẻ nổi trội hơn cả. Sau đó chúng ta quan sát người đó để xem anh ta đang làm gì khác với phương thức của mình.
Nếu tìm thấy một vài sự khác biệt, sau đó chúng ta sẽ bổ sung những khác biệt này vào những hành vi của mình, hay chính là bắt chước các hành vi đó.
Nếu kết quả của chúng ta tốt lên (hệ quả thuận lợi) thì chúng ta nhất định sẽ có một sự thay đổi lâu dài trong hành vi của mình vì thấy những gì chúng ta vừa chứng kiến cũng áp dụng được đối với những người khác.
Quá trình diễn ra tại nơi làm việc cũng giống như trong trường học. Một nhân viên mới muốn thành công trong công việc của mình nhất định sẽ tìm kiếm một ai đó rất được kính trọng và thành công trong tổ chức, sau đó thử bắt chước hành vi của người đó.
(Tài liệu tham khảo: Cơ sở hành vi của cá nhân trong tổ chức, Tổ chức giáo dục Topica)