Hiệu ứng tiêu đề (Headline Effect) là gì? Ví dụ về hiệu ứng tiêu đề
Mục Lục
Hiệu ứng tiêu đề
Hiệu ứng tiêu đề trong tiếng Anh là Headline Effect.
Thuật ngữ hiệu ứng tiêu đề đề cập đến hiệu ứng mà tin tức tiêu cực của truyền thông đại chúng gây ra tới một doanh nghiệp hoặc nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế học tin rằng các tiêu đề tin tức tiêu cực làm cho người tiêu dùng ngại chi tiêu hơn.
Cho dù có hợp lí hay không, phản ứng của giới đầu tư đối với một tiêu đề tin tức có thể rất mạnh mẽ, và phản ứng của công chúng đối với tin tức xấu trong các tiêu đề có thể vượt quá phản ứng đối với tin tốt.
Do đó, khi cơ quan chính phủ hoặc ngân hàng trung ương công bố báo cáo kinh tế không thuận lợi, thì thương nhân, nhà đầu tư và thành viên của cộng đồng đầu tư có thể phản ứng bằng cách chuyển đổi, bán ra hoặc bán khống đồng tiền nước đó.
Trong một chừng mực nào đó, phản ứng của thị trường là tự nhiên và dễ hiểu, nhưng hiệu ứng tiêu đề có thể khiến phản ứng thị trường trầm trọng thêm bằng cách đưa tin xấu lên hàng đầu trong tâm trí những nhà giao dịch trong thị trường.
Nhà tâm lí học kiêm nhà thần kinh học thuộc Đại học Western Australia - Ullrich Ecker đã phát hiện ra rằng những ấn tượng ban đầu được tạo ra bởi các tiêu đề truyền thông không dễ dàng sửa chữa, ngay cả khi trong chính bản tin đó chứa các thông tin làm giảm nhẹ hoặc mâu thuẫn với tiêu đề.
Ecker nhận thấy rằng những người đọc tin tức có nhiều khả năng giữ lại thông tin phù hợp với các ý tưởng được trình bày trong tiêu đề, và có nhiều khả năng quên thông tin khác với tiêu đề.
Ví dụ về hiệu ứng tiêu đề
Một ví dụ về hiệu ứng tiêu đề là sự theo dõi rộng rãi của phương tiện truyền thông về tác động của giá xăng tăng đối với người tiêu dùng. Một số nhà kinh tế học tin rằng càng chú ý đến việc tăng giá xăng dầu, càng có nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ thận trọng hơn trong việc chi tiêu thu nhập tùy ý.
Hiệu ứng tiêu đề có thể được coi là sự khác biệt giữa mức giảm chi tiêu hợp lí trong thu nhập tùy ý và mức giảm chi tiêu thực tế sau một sự kiện được truyền thông chú ý.
Một ví dụ khác về hiệu ứng tiêu đề là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đối với giá trị của đồng euro. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp được cho là làm suy yếu đồng euro một cách đáng kể, mặc dù thực tế là nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2% sản lượng kinh tế chung của khu vực đồng euro.
Phản ứng của công chúng đối với tin tức xấu về nền kinh tế Hy Lạp không chỉ ảnh hưởng đến không chỉ khu vực đồng euro, mà còn tới cả các quốc gia không sử dụng đồng euro, ví dụ như Anh, do Anh phụ thuộc nhiều vào thương mại với khu vực đồng euro để hỗ trợ nền kinh tế của chính mình.
Một số người đã nói rằng hiệu ứng tiêu đề có thể đã phá hoại tương lai của đồng euro và chính Liên minh châu Âu.
(Theo investopedia)