Hiệp định đầu tư Quốc tế (International Investment Agreements - IIAs) là gì? Mục đích và nội dung
Mục Lục
Hiệp định đầu tư Quốc tế
Hiệp định đầu tư Quốc tế trong tiếng Anh là International Investment Agreements, viết tắt là IIAs.
Hiệp định đầu tư Quốc tế là các thỏa thuận giữa các nước đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư quốc tế và điều chỉnh hoạt động này, trong đó có FDI. Hiệp định Đầu tư Quốc tế thường được áp dụng đối với hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của một quốc gia do các nhà đầu tư của quốc gia khác tiến hành, các qui định mà chúng thiết lập có ảnh hưởng đến nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư tại quốc gia khác, nước chủ đầu tư và nước chủ nhà nơi hoạt động đầu tư diễn ra.
Hiệp định Đầu tư Quốc tế thường tập trung vào những nội dung như đãi ngộ, xúc tiến và bảo hộ đầu tư quốc tế, đặc biệt là FDI. Mặc dù vậy, các thỏa thuận có thể khác nhau về các khía cạnh này, tùy thuộc vào từng loại hình và mục đích của thỏa thuận.
Mục đích của Hiệp định đầu tư Quốc tế
Việc kí kết các hiệp định đầu tư quốc tế giúp cho các nước tiếp nhận đầu tư có khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định đến việc thúc đẩy dòng vốn FDI.
Các hiệp định đầu tư này phù hợp với bối cảnh hiện nay về hội nhập kinh tế quốc tế cùng như quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
Xu hướng hình thành các hiệp định đầu tư quốc tế xuất phát từ chính sách tự do hóa đầu tư gắn liền với nhu cầu hoàn thiện môi trường đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư. Đây là nhân tố quan trọng nhằm tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nội dung của các Hiệp định đầu tư Quốc tế
Các điều khoản của Hiệp định đầu tư Quốc tế phải được soạn thảo phù hợp với chính sách và pháp luật của các nước kí kết. Những điều khoản của Hiệp định đầu tư Quốc tế tập trung vào 2 vấn đề cơ bản sau đây:
Những điều khoản nhằm mục đích tự do hóa đầu tư. Việc áp dụng nhóm điều khoản này kéo theo việc giảm hoặc loại bỏ dần các biện pháp hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp FDI, xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy sự vận hành đúng hướng của thị trường.
Những điều khoản nhằm mục đích bảo hộ các nhà đầu tư nước ngoài và các hoạt động đầu tư chống lại các biện pháp của nước tiếp nhận đầu tư gây thiệt hại một cách vô lí cho chúng. Bên cạnh đó, một số Hiệp định đầu tư Quốc tế còn đề cập đến vấn đề đánh thuế, môi trường, việc làm và lao động v.v…
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình đầu tư quốc tế, NXB ĐH quốc gia Hà Nội)