Hệ thống thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh (ISCA) là gì?
Mục Lục
Hệ thống thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh (ISCA)
Hệ thông thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh trong tiếng Anh gọi là Information System for Competitive Advantage, viết tắt là ISCA.
Hệ thống thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh (ISCA) được sử dụng như một trợ giúp chiến lược. Khi nghiên cứu một hệ thống thông tin mà không tính đến những lí do dẫn đến sự cài đặt nó hoặc cũng không tính đến môi trường trong đó nó được phát triển, ta nghĩ rằng đó chỉ đơn giản là một hệ thống xử lí giao dịch, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống trợ giúp ra quyết định hay một hệ thống thông tin hỗ trợ lãnh đạo.
ISCA được thiết kế cho những người sử dụng là những người ngoài tổ chức, có thể là một khách hàng, một nhà cung cấp và cũng có thể là một tổ chức khác cùng ngành công nghiệp... (trong khi ở 4 loại hệ thống trên, người sử dụng chủ yếu là cán bộ trong tổ chức).
Đặc điểm của hệ thống thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh
Nếu như những hệ thống xác định trước đây có mục đích trợ giúp các hoạt động quản trị của tổ chức thì hệ thống thông tin tăng cường khả năng cạnh tranh có mục đích cung cấp thông tin, trợ giúp cho những người ở bên ngoài tổ chức dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, lựa chọn, so sánh và quyết định tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Chúng cho phép tổ chức thành công trong việc đối đầu với các lực lượng cạnh tranh thể hiện qua khách hàng, các nhà cung cấp, các doanh nghiệp cạnh tranh mới xuất hiện, các sản phẩm thay thế và các tổ chức khác trong cùng một ngành công nghiệp.
Ví dụ:
-Việc xây dựng một hệ thống cho phép khách hàng ngồi ở nhà mà có thể mặc thử các mẫu thời trang tại một gian hàng trực tuyết nào đó sẽ giúp tăng doanh số cũng như thị phần của loại hàng hóa đó.
- Một nhà sản xuất tủ bếp tạo cho khách hàng một hệ trợ giúp lực chọn kiểu mẫu thiết kế tủ bếp có thể tăng mạnh thị phần của mình.
- Lắp đặt các máy bán hàng tự động, máy rút tiền tự động giúp khách hàng có thể giao dịch 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần, nhờ đó giúp tăng doanh số và thị phần.
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)