1. Quản trị kinh doanh

Chỉ số Năng lực quốc gia về Logistics (Logistics Performance Index - LPI) là gì?

Mục Lục

Chỉ số Năng lực quốc gia về Logistics

Chỉ số Năng lực quốc gia về Logistics hay Chỉ số LPI trong tiếng Anh được gọi là Logistics Performance Index. 

Chỉ số Năng lực quốc gia về Logistics là một chỉ số do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xếp hạng hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia. 

Bộ dữ liệu từ khảo sát LPI năm 2010 cho phép so sánh và đánh giá sự phát triển logistics của 155 quốc gia trên thế giới, cung cấp một cái nhìn tổng quan về thực trạng cũng như những cơ hội và thách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt trong các hoạt động logistics.

Tiêu chí đánh giá

Để tính toán LPI, Ngân hàng Thế giới đã thiết kế một bộ câu hỏi khảo sát gửi đến những người hoạt động logistics như các nhà giao nhận, vận tải để nhận được sự đánh giá của họ về năng lực hoạt động logistics của các quốc gia họ tiến hành hoạt động và của những người họ giao dịch trong quá trình hoạt động đó. 

Thông tin từ những người hoạt động logistics này kết hợp với các dữ liệu định lượng về các yếu tố quan trọng trong chuỗi logistics của quốc gia đó.

Ngân hàng Thế giới sẽ dựa vào 6 tiêu chí để đánh năng lực về logistics của một quốc gia như sau:

- Cơ sở hạ tầng (Infrastructure): Những cơ sở hạ tầng liên quan đến chất lượng thương mại và vận tải (cảng, đường sắt, đường bộ, công nghệ thông tin);

- Chuyến hàng quốc tế (Shipments International): Mức độ dễ dàng khi thu xếp cho các chuyến hàng với giá cả cạnh tranh;

- Tiềm lực logistics (Competence Logistics): Năng lực và chất lượng của các dịch vụ logistics (Ví dụ: Các nhà điều hành vận tải, môi giới hải quan);

- Tracking & Tracing: Khả năng theo dõi và định vị các lô hàng;

- Sự đúng hạn (Timeliness): Sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích;

- Hải quan (Customs): hiệu quả của quá trình thông quan, chẳng hạn như tốc độ, tính đơn giản, và tính có thể dự liệu trước của các thủ tục hải quan.

Chỉ số LPI ở Việt Nam

Chỉ số LPI bình quân của Việt Nam qua 4 lần xếp hạng gần nhất đứng thứ 45 thế giới.

Năm 2018, 5 nước có chỉ số LPI cao nhất là Đức, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016 (64/160). 

Trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hai nước là Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 32). Một số nước khác đáng quan tâm là Hoa Kỳ (thứ 14), Australia (thứ 18), Hàn Quốc (thứ 25), Trung Quốc (thứ 26), Malaysia (thứ 41), Ấn Độ (thứ 44), Indonesia (thứ 46), Nga (thứ 75).

(Tài liệu tham khảo: Báo cáo Ngành Dịch vụ Logistics, Quí III.2018, Ngân hàng Á Châu. Tài liệu hướng dẫn về chỉ số hiệu quả logistics LPI, Bộ Công thương, 2019. Viện Nghiên cứu Thương mại)


Thuật ngữ khác