Hội nghị chủ nợ (Creditors Meeting) là gì? Tài sản và thứ tự phân chia tài sản trong hội nghị chủ nợ
Mục Lục
Hội nghị chủ nợ (Creditors Meeting)
Hội nghị chủ nợ trong tiếng Anh là Creditors Meeting.
Hội nghị chủ nợ được hiểu là cuộc họp của các chủ nợ do Thẩm phán triệu tập và chủ trì để thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các chủ thể có quyền tham gia vào hội nghị chủ nợ
- Các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ (danh sách chủ nợ do tổ quản lí, thanh lí tài sản lập), chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia hội nghị chủ nợ, người được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ như chủ nợ
- Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền. Trong trường hợp này đại diện của công đoàn, đại diện cho người lao động có quyền và nghĩa vụ như chủ nợ
- Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có đảm bảo
Tài sản và thứ tự phân chia tài sản trong hội nghị chủ nợ
Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được xác định từ thời điểm Tòa án thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:
- Tài sản và quyền về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã có vào thời điểm Tòa án thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Các khoản lợi nhuận, các tài sản và các quyền về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ có do việc thực hiện các giao dịch được xác lập trước khi Tòa án thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
- Tài sản là vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp thanh toán tài sản là vật bảo đảm được trả cho chủ nợ có bảo đảm, nếu giá trị của vật bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm phải thanh toán thì phần vượt quá đó là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
- Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định theo qui định của pháp luật đất đai.
Vấn đề mấu chốt và luôn được các chủ nợ quan tâm hàng đầu trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đó là việc phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Để đảm bảo sự công bằng, hợp lí trong việc phân chia số tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên được pháp luật phá sản qui định phải thông qua một chủ thể nhất định.
Đây là một vấn đề được pháp luật phá sản của hầu hết các nước trên thế giới quan tâm điều chỉnh. Luật phá sản Việt Nam, trao quyền phân chia số tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã cho tổ quản lí, thanh lí tài sản trên cơ sở quyết định của Thẩm phán.
Hậu quả của việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã mà còn áp dụng cho cả người quản lí, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo qui định của pháp luật, người quản lí, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản bị cấm thành lập doanh nghiệp và đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn ở doanh nghiệp, hợp tác xã khác trong một thời gian nhất định. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp phá sản khi nhìn từ khía cạnh hậu quả pháp lí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)