Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA – System of National Accounts) là gì?
Mục Lục
Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA – System of National Accounts)
Hệ thống tài khoản quốc gia trong tiếng Anh là System of National Accounts, viết tắt là SNA.
Hệ thống tài khoản quốc gia là một hệ thống các bảng cân đối hoặc các tài khoản được hình thành bởi các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm phản ánh quá trình sản xuất, phân phối, phân phối lại và sử dụng cuối cùng kết quả sản xuất của nền kinh tế quốc dân trong một thời kì nhất định, thường là một năm.
Nội dung
- Theo hệ thống SNA, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam được chia thành 21 ngành sản xuất cấp I và chia thành 3 nhóm ngành kinh tế mà người ta thường gọi là 3 khu vực:
+ Khu vực 1: gồm các hoạt động khai thác tự nhiên (chỉ có 1 ngành sản xuất cấp I: Nông, lâm, thuỷ sản).
+ Khu vực 2: gồm các hoạt động công nghiệp và xây dựng (gồm 5 ngành sản xuất cấp I: 2, 3, 4, 5 và 6).
+ Khu vực 3: gồm các hoạt động dịch vụ (gồm các ngành sản xuất cấp I từ thứ 7 đến 21).
Ý nghĩa của tài liệu hệ thống tài khoản quốc gia - SNA trong quản lí kinh tế
- Cho phép nghiên cứu một cách tổng hợp toàn bộ kết quả sản xuất của nền kinh tế quốc dân.
- Cho phép nghiên cứu được quá trình sản xuất và sử dụng kết quả sản xuất cho các mục đích khác nhau (tiêu dùng, tích luỹ, xuất khẩu).
- Cho phép nghiên cứu quá trình sản xuất, phân phối, phân phối lại và sử dụng cuối cùng kết quả sản xuất của nền kinh tế quốc dân.
- Cho phép nghiên cứu được mối quan hệ giữa các ngành trong quá trình sản xuất.
- Cho phép nghiên cứu được các cân đối lớn hay các quan hệ tỉ lệ chủ yếu của nền kinh tế quốc dân (tiêu dùng – sản xuất, tích luỹ – tiêu dùng, xuất khẩu – sản xuất...).
- Cho phép tiến hành so sánh quốc tế và dự đoán sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai.
- Hệ thống SNA cũng là cơ sở để hình thành nên các khái niệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như là cơ sở để xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)