Lí thuyết nhị nguyên (Arthur Lewis' Dualism) là gì? Các hướng phát triển
Mục Lục
Lí thuyết nhị nguyên
Lí thuyết nhị nguyên trong tiếng Anh được gọi là Arthur Lewis' Dualism.
Lí thuyết này do A. Lewis chủ xướng. Lí thuyết này cho rằng ở các nền kinh tế có hai khu vực kinh tế song song tồn tại:
- Khu vực truyền thống, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và có đặc trưng là rất trì trệ, năng suất lao động rất thấp (năng suất lao động biên tế xem như bằng không) và lao động dư thừa;
- Khu vực công nghiệp hiện đại có đặc trưng năng suất lao động cao và có khả năng tự tích lũy.
Do lao động dư thừa nên việc chuyển một phần lao động thặng dư từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp không gây ảnh hưởng gì đến sản lượng nông nghiệp.
Do có năng suất lao động cao và tiền công cao hơn nên khu vực công nghiệp thu hút lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp chuyển sang, và do lao động trong khu vực nông nghiệp quá dư thừa và tiền công thấp hơn nên các ông chủ công nghiệp có thể thuê mướn nhiều nhân công mà không phải tăng thêm tiền công, lợi nhuận của các ông chủ ngành càng tăng;
Giả định rằng toàn bộ lợi nhuận sẽ được đem tái đầu tư thì nguồn tích lũy để mở rộng sản xuất trong khu vực công nghiệp ngày càng tăng lên.
Như vậy, có thể rút ra từ Lí thuyết này một nhận định là để thúc đẩy sự phát triển, các quốc gia đang phát triển cần phải mở rộng khu vực công nghiệp hiện đại bằng mọi giá mà không quan tâm đến khu vực truyền thống.
Sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp tự nó sẽ thu hút hút hết lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp chuyển sang và từ trạng thái nhị nguyên, nền kinh tế sẽ chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Sự phát triển của lí thuyết
- Lí thuyết nhị nguyên của Lewis tiếp tục được nhiều kinh tế gia nổi tiếng (như G. Ranis, J Fei, Harris) khác tiếp tục nghiên cứu và phân tích. Luận cứ của họ xuất phát từ khả năng phát triển và tiếp nhận lao động của khu vực công nghiệp hiện đại.
Khu vực này có nhiều khả năng lựa chọn công nghệ sản xuất, trong đó có công nghệ sử dụng nhiều lao động nên về nguyên tắc có thể thu hút hết lượng lao động dư thừa của khu vực công nghiệp.
Nhưng việc di chuyển lao động được giả định là do chênh lệch về thu nhập giữa lao động của hai khu vực kinh tế trên quyết định (các tác giả giả định rằng thu nhập của lao động công nghiệp tối thiểu cao hơn 30% so với lao động trong khu vực nông nghiệp).
Như vậy, khu vực công nghiệp chỉ có thể thu hút lao động nông nghiệp khi có sự dư thừa lao động nông nghiệp và chênh lệch tiền công giữa hai khu vực đủ lớn. Nhưng khi nguồn lao động nông nghiệp dư thừa ngày càng cạn dần thì khả năng duy trì sự chênh lệch về tiền lương này sẽ ngành một khó khăn.
Ðến khi đó, việc tiếp tục di chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp và làm cho giá cả nông sản tăng lên, và kéo theo đó là mức tăng tiền công tương ứng trong khư vực công nghiệp.
Sự tăng lương của khu vực công nghiệp này đặt ra giới hạn về mức cầu tăng thêm đối với lao động của khu vực này.
Như thế, về mặt kĩ thuật, mặc dù khu vực công nghiệp có thể thu hút không hạn chế lượng lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp chuyển sang thì về mặt thu nhập và độ co giãn cung cầu thì khả năng tiếp nhận lao động từ khu vực nông nghiệp của khu vực công nghiệp là có hạn.
- Một hướng phân tích khác dự trên Lí thuyết nhị nguyên là phân tích khả năng di chuyển lao động từ nông thôn (khu vực nông nghiệp) ra thành thị (khu vực công nghiệp) mà Todaro là một điển hình.
Quá trình dịch chuyển lao động chỉ diễn ra suôn sẻ khi tổng cung về lao động từ nông nghiệp phù hợp với tổng cầu ở khu vực công nghiệp. Sự di chuyển lao động này không những phụ thuộc vào chênh lệch thu nhập mà còn vào xác suất tìm được việc làm đối với lao động nông nghiệp.
Một cách tổng quát, khi phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tê của hai lĩnh vực sản xuất vật chất quan trọng nhất của nền kinh tế các nước đang phát triển.
Các Lí thuyết nhị nguyên đã đi từ việc cho rằng chỉ cần tập trung vào phát triển công nghiệp mà không quan tâm đến sự phát triển của khu vực nông nghiệp đến việc chỉ ra những giới hạn của việc này và như vậy, khu vực nông nghiệp cũng cần được quan tâm thích đáng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Một số lí thuyết về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh)