Hệ số Nợ/GDP (Debt/GDP Ratio) là gì?
Mục Lục
Hệ số Nợ/GDP
Hệ số Nợ/GDP trong tiếng Anh là Debt/GDP Ratio.
Hệ số Nợ/GDP là số liệu so sánh nợ công của một quốc gia với tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Bằng cách so sánh những gì một quốc gia nợ với những gì quốc gia tạo ra, hệ số Nợ/GDP phản ánh khả năng trả nợ của quốc gia đó. Tỉ lệ này cũng có thể được hiểu là số năm cần thiết để trả nợ, nếu GDP của quốc gia được dành hoàn toàn cho việc trả nợ.
Một quốc gia có thể tiếp tục trả lãi cho khoản nợ của mình mà không cần tái cấp vốn và không cản trở tăng trưởng kinh tế thường được coi là có nền kinh tế ổn định. Một quốc gia có hệ số Nợ/GDP cao thường gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Trong các trường hợp như vậy, các nước cho vay có thể tăng lãi suất cao hơn khi cho vay. Hệ số Nợ/GDP cực cao có thể ngăn cản việc cho vay của các nước khác.
Công thức tính hệ số Nợ/GDP là
Hệ số Nợ/GDP = Tổng nợ của quốc gia/Tổng GDP của quốc gia
Hệ số Nợ/GDP cho bạn biết điều gì?
Khi một quốc gia mất khả năng thanh toán các khoản nợ của mình sẽ gây ra sự hoảng loạn tài chính ở thị trường trong nước và quốc tế. Theo qui định, hệ số Nợ/GDP của một quốc gia càng cao, nguy cơ vỡ nợ càng cao. Mặc dù các chính phủ luôn cố gắng hạ thấp tỉ lệ này xuống, nhưng điều này có thể khó đạt được trong các giai đoạn bất ổn, như thời chiến, hay suy thoái kinh tế.
Trong những hoàn cảnh thách thức như vậy, các chính phủ có xu hướng tăng vay mượn với nỗ lực kích thích tăng trưởng và thúc đẩy tổng cầu. Chiến lược kinh tế vĩ mô này là một ý tưởng chủ đạo trong Lí thuyết kinh tế học Keynes.
Các nhà kinh tế theo lí thuyết tiền tệ hiện đại cho rằng các quốc gia có chủ quyền có khả năng tự in tiền thì không bao giờ bị phá sản, bởi vì họ có thể đơn giản in nhiều tiền tệ hơn để trả cho các khoản nợ. Tuy nhiên, qui tắc này không áp dụng cho các quốc gia không kiểm soát các chính sách tiền tệ của riêng họ, chẳng hạn như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), những nước phải dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để phát hành euro.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy các quốc gia có hệ số Nợ/GDP vượt quá 77% trong thời gian dài sẽ phải trải qua sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, mỗi phần trầm từ mức 77% trở lên sẽ khiến quốc gia phải trả giá bằng 1,7% cho tăng trưởng kinh tế. Điều này thậm chí còn rõ rệt hơn ở các thị trường mới nổi, nơi mỗi điểm phần trăm trên mức 64% làm chậm tăng trưởng 2%.
(Theo Investopedia)