Hào kinh tế (Economic Moat) là gì? Các nguồn tạo nên hào kinh tế
Mục Lục
Hào kinh tế
Hào kinh tế trong tiếng Anh là Economic Moat.
Hào kinh tế là một khái niệm được tạo ra bởi Warren Buffett, dùng để chỉ một lợi thế khác biệt của công ty so với các đối thủ cạnh tranh, cho phép nó bảo vệ thị phần và lợi nhuận của mình.
Hào kinh tế thường là một lợi thế khó bắt chước hoặc sao chép, như sự nhận diện thương hiệu hoặc bằng sáng chế, và do đó tạo ra một rào cản hiệu quả chống lại sự cạnh tranh từ các công ty khác.
Mọi công ty thành công đều hiểu rằng mối đe dọa chính đối với mình sẽ đến từ các đối thủ cạnh tranh. Dần dần, các công ty sẽ nhận thấy lợi nhuận và doanh thu của mình bị giảm sút do bị các đối thủ cạnh tranh chiếm mất thị phần.
Đó là lí do một doanh nghiệp muốn duy trì ưu thế phải thành lập một hào kinh tế. Hào kinh tế mô tả lợi thế cạnh tranh của một công ty có được nhờ vào các chiến thuật kinh doanh khác nhau, giúp công ty kiếm được lợi nhuận trên mức trung bình trong lâu dài.
Các đặc điểm tài chính rõ ràng nhất của các công ty có hào kinh tế lớn là chúng thường tạo ra lượng dòng tiền tự do lớn và có thành tích nắm giữ lợi nhuận cao.
Các nguồn tạo nên hào kinh tế
Tài sản vô hình: bao gồm các bằng sáng chế, thường hiệu và giấy phép cho phép một công ty bảo vệ quy trình sản xuất của mình và đặt giá cao. Bằng sáng chế giữ cho các công ty bảo vệ bí quyết trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là 20 năm. Các công ty dược phẩm kiếm được lợi nhuận cao nhờ các loại thuốc được cấp bằng sáng chế sau khi chi rất nhiều tiền cho nghiên cứu và phát triển.
Qui mô hiệu quả: nảy sinh khi một thị trường cụ thể được phục vụ tốt nhất bởi một số lượng hạn chế các công ty, tạo cho chúng vị trí gần như độc quyền. Ví dụ, các công ty hạ tầng có qui mô hiệu quả để cung cấp điện và nước cho khách hàng trong một khu vực địa lí. Xây dựng thêm công ty hạ tầng khác trong cùng khu vực là quá tốn kém và không hiệu quả.
Chi phí chuyển đổi: khiến cho người tiêu dùng tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chuyển đổi sản phẩm hoặc nhãn hiệu khác. Autodesk cung cấp các phần mềm khác nhau cho các kĩ sư và nhà thiết kế, và chúng rất khó học. Khi một khách hàng của Autodesk bắt đầu sử dụng phần mềm của hãng, anh ta khó có thể chuyển đổi, cho phép Autodesk tính giá cao cho các sản phẩm.
Hiệu ứng mạng lưới: củng cố hơn nữa con hào kinh tế của một công ty bằng cách làm cho sản phẩm của họ có giá trị hơn do có nhiều người sử dụng. Các thị trường trực tuyến như Amazon và eBay được người tiêu dùng ưa chuộng vì có số lượng lớn người mua và bán các sản phẩm khác nhau thông qua nền tảng của họ.
Duy trì chi phí hoạt động thấp: công ty làm được điều này sẽ có lợi thế về chi phí và cạnh tranh bằng cách hạ giá. Wal-Mart nơi có khối lượng bán hàng khổng lồ và đàm phán mua được sản phẩm với giá thấp với các nhà cung cấp, dẫn đến việc các đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước việc bán các sản phẩm giá rẻ như nó.
(Theo investopedia)