Hạn mức bảo hiểm tiền gửi (Deposit insurance limit) là gì?
Mục Lục
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong tiếng Anh được gọi là Deposit insurance limit.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là số tiền bảo hiểm tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi của một người được bảo hiểm tiền gửi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Nguyên tắc xác định
Nguyên tắc xác định hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần bảo đảm đồng thời hai mục tiêu:
- Hạn mức cần đủ cao để duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, khuyến khích người gửi tiền gửi vào ngân hàng;
- Hạn mức cần đủ thấp để kiểm soát và điều tiết rủi ro đạo đức, tránh tình trạng mạo hiểm trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Yếu tố xem xét:
Việc xem xét hạn mức cần tính tới các yếu tố có liên quan bao gồm:
- Thu nhập GDP bình quân đầu người và các yếu tố có liên quan như lạm phát, lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính;
- Tỉ lệ % người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ tính trên tổng số người gửi tiền;
- Mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng và tổng thể nền kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế về hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong cuộc khủng hoảng tài chính
Thay đổi hạn mức bảo hiểm là một cấu phần không thể thiếu trong tổng thể giải pháp chính sách ứng phó với những diễn biến xấu của hệ thống tài chính.
Khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng, niềm tin của người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng có xu hướng sụt giảm, vì vậy, tăng hạn mức hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, tạo tâm lí yên tâm, qua đó hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt khi có sự cố về ngân hàng.
Trong giai đoạn khủng hoảng trước đây, có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện một số giải pháp mới trong chính sách hạn mức bảo hiểm tiền gửi.
Trong đó có 19 nước áp dụng hình thức bảo lãnh toàn bộ đối với khách hàng gửi tiền, 23 nước tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi không xác định thời hạn kết thúc (chính sách hạn mức mới dài hạn), và 6 nước tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tạm thời.
Trong khủng hoảng, các quốc gia tại Châu Á duy trì mức độ bảo vệ cao từ 5 đến 80 lần GDP bình quân đầu người.
Tại Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đã nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn. Trong số các quốc gia có hệ thống bảo hiểm tiền gửi chính thức và công khai tại Đông Nam Á, chỉ có Lào và Việt Nam không tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong cuộc khủng hoảng tài chính.
Sau khủng hoảng, các quốc gia rút lại cơ chế bảo lãnh toàn bộ và quay về cơ chế bảo hiểm có hạn mức. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều duy trì hạn mức cao hơn giai đoạn trước khủng hoảng tài chính.
(Tài liệu tham khảo: Chuyên san: Một số vấn đề về Bảo hiểm tiền gửi, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu dân cử)