Giải ngân (Disbursement) là gì? Cơ sở và nội dung giải ngân
Mục Lục
Giải ngân (Disbursement)
Giải ngân trong tiếng Anh gọi là Disbursement.
Giải ngân là nghiệp vụ cấp tiền cho khách hàng hay phát tiền vay trên cơ sở mức tín dụng đã cam kết theo hợp đồng.
Giải ngân phải đảm bảo nguyên tắc: Luân chuyển của tín dụng gắn liền với luân chuyển của hàng hóa, tức là việc phát tiền vay phải có hàng hóa đối ứng phù hợp với mục đích vay của hợp đồng tín dụng đã kí kết (Kế hoạch sử dụng vốn tín dụng đã được nêu trong hợp đồng tín dụng).
Cơ sở giải ngân
- Cơ sở để ngân hàng thực hiện giải ngân chủ yếu là kế hoạch sử dụng vốn tín dụng đã được nêu trong hợp đồng tín dụng. Thường sau khi kí, một bản chính hợp đồng tín dụng, giấy đề nghị cấp tín dụng,... sẽ được chuyển cho nhân viên phụ trách giải ngân (một số ngân hàng hiện nay là là bộ phận tác nghiệp, hoặc hỗ trợ tín dụng).
Về nguyên tắc nhân viên giải ngân không phải là người ra quyết định tín dụng để đảm bảo an toàn và dễ kiểm soát. Nhiệm vụ của nhân viên tín dụng là theo dõi tiến trình giải ngân đúng theo những điều kiện và số lượng như trong hợp đồng đã kí kết. Một khoản tín dụng có thể giải ngân một lần toàn bộ số tiền vay hoặc giải ngân thành nhiều đợt.
Nội dung giải ngân.
- Khách hàng hoàn chỉnh nội dung chứng từ sau:
+ Hợp đồng bảo đảm tiền vay trong trường hợp khách hàng chưa hoàn thành thủ tục bảo đảm tiền vay.
+ Bảng kê rút vốn
+ Uỷ nhiệm chi
- Trong quá trình giải ngân, nhân viên tín dụng phải quan tâm thực hiện các công việc như kiểm tra xác định mục đích sử dụng tiền vay; phương thức thanh toán liên quan đến tiền vay, giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản phù hợp với yêu cầu thực tế của khách hàng.
Số tiền giải ngân phù hợp với tiến độ thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư của khách hàng.
Hình thức giải ngân: Phụ thuộc vào nội dung các cam kết của hợp đồng tín dụng, gồm 2 loại:
- Hình thức cấp tiền thuần túy: Đây là hình thức mà ngân hàng chỉ cấp tiền thuần túy cho khách hàng trong phạm vi mức tín dụng đó kí kết mà không đòi hỏi thêm những điều kiện đặc biệt nào. Thường được áp dụng trong cho vay tiêu dùng (thẻ tín dụng...) hay cho vay hộ sản xuất với mức tín dụng cấp không lớn.
- Hình thức giải ngân có điều kiện: Đây là hình thức mà quyết định cho vay phụ kèm theo với việc cấp tiền khi hợp đồng tín dụng có qui định những điều kiện ràng buộc cho việc giải ngân.
Ví dụ như ngân hàng chỉ cấp tiền vay theo qui định của hợp đồng tín dụng. Trường hợp những điều kiện trong hợp đồng tín dụng chưa được thực hiện theo việc giải ngân cũng chưa được tiến hành.
Phương pháp giải ngân:
Trong cho vay mua hàng tồn kho, máy móc thiết bị hoặc các tài sản khác, ngân hàng trả thẳng cho đơn vị bán dựa vào cơ sở các chứng từ cung cấp hàng hóa. Đây là phương pháp giải ngân cơ bản của ngân hàng. Phương pháp này gặp rủi ro khi chứng từ mua hàng khống. Do đó ngân hàng cần phải kiểm tra chứng từ và các thông tin khác có liên quan.
Khi cho vay dự án đầu tư, việc giải ngân căn cứ vào khối lượng xây lắp đó hoàn thành. Việc phát tiền vay dựa trên cơ sở biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình hoặc hạng mục công trình. Nếu là một công ty nhận thầu việc giải ngân sẽ được trả thắng cho đơn vị thi công.
Đối với các kĩ thuật chiết khấu, factoring, cho vay theo tỉ lệ hàng tồn kho, khoản phải thu, việc giải ngân được thực hiện bằng cách chuyển vào tài khoản tiền gửi thanh toán của người đi vay.
Trong cho vay mua hàng nông sản thủy sản của các cá nhân và hộ gia đình, giải ngân được thực hiện theo tiến độ mua hàng, dựa vào mức tồn kho và biên bản tồn kho của ngân hàng. Đối với các khoản cho vay nhỏ, ngân hàng giải ngân bằng tiền mặt như cho vay hộ nông dân hoặc cá thể buôn bán tại chợ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)