Giá trị hiện tại ròng (Net Present Value - NPV) là gì?
Mục Lục
Giá trị hiện tại ròng
Giá trị hiện tại ròng trong tiếng Anh là net present value, viết tắt là NPV.
Giá trị hiện tại ròng (còn được gọi là Giá trị hiện tại thuần, Hiện giá ròng, Hiện giá thuần) là chênh lệch giữa tổng các dòng thực thu của dự án đã được qui về mặt bằng thời gian hiện tại với tổng các dòng chi phí đầu tư của dự án cũng đã được qui về mặt bằng thời gian hiện tại theo một tỉ suất hoàn vốn nhất định.
Là tổng các giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền của dự án.
Công thức
Trong đó:
TRi: Thu nhập hàng năm của dự án
Ci: Chi phí hàng năm của dự án
r: lãi suất chiết khấu của dự án (%)
i=1,2,...,n -các năm của dự án.
Ý nghĩa:
Chỉ tiêu NPV cho biết mức chênh lệch giữa thu nhập thật của dự án so với thu nhập mong đợi của dự án (thể hiện qua tỉ lệ sinh lời kì vọng-expected rate of return). Chính vì thế:
NPV < 0 : Dự án không có hiệu quả-không thể đầu tư
NPV = 0 : Có thể đầu tư
NPV > 0 : Đầu tư hiệu quả
Giá trị của NPV càng lớn thì dự án càng có hiệu quả. Chỉ tiêu này thỏa mãn yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận, phù hợp quan điểm nguồn của cải ròng được tạo ra phải là lớn nhất.
Lưu ý
- Qua công thức, ta thấy, giá trị của NPV tùy thuộc vào lãi suất chiết khấu r đã sử dụng và như trên đã trình bày, lãi suất chiết khấu nào lại tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và từng dự án cụ thể, nó không thuộc quan điểm chủ quan hay thậm chí là cảm tính của nhà đầu tư.
Không có một lãi suất chiết khấu nào - ví dụ như lãi suất ngân hàng hay một lãi suất thị trường nào đó, có thể "dùng chung" cho tất cả các doanh nghiệp hoặc cho mọi dự án của một doanh nghiệp.
Lãi suất chiết khấu dùng để đánh giá một dự án lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố mang sắc thái khác nhau, từ phía chủ đầu tư đến chủng loại đầu tư; từ những thước đo tiêu biểu của ngành nghề đến lãi suất chiết khấu chung của thị trường hay tính mạo hiểm mà dự án phải chấp nhận đánh đổi.
- Chỉ tiêu này không chính xác trong một số trường hợp khi cần phải so sánh lựa chọn dự án. Thông thường, một dự án có vốn đầu tư lớn (chi phí đầu tư cao) thường đem lại NPV lớn, một dự án đầu tư có thời gian dài thường đem lại NPV lớn, nếu chỉ căn cứ vào giá trị NPV để lựa chọn dự án thì có thể bỏ qua những dự án có mức sinh lời lớn hơn (giá trị NPV trên một đơn vị vốn đầu tư lớn hơn) hoặc những dự án có khả năng sinh lời cao nhưng thời gian thực hiện quá dài. Để khắc phục nhược điểm này, cần sử dụng NPV kết hợp với các chỉ tiêu khác trong phân tích hiệu quả kinh tế.
- Chỉ tiêu NPV cũng có thể sử dụng để tính giá trị hiên tại ròng trên hai quan điểm tài chính (đo lường bằng NPVf) và quan điểm kinh tế xã hội (đo bằng NPVE). Một dự án ra đời luôn tạo ra những tác động ngoại vi: tích cực và tiêu cực, chịu những bóp méo của những yếu tố: thuế, trợ cấp,...đó là những nhân tố sẽ được lượng hóa trở thành dòng ngân lưu chính thức khi xét đến hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Vì vậy, có những dự án-nhất là dự án công, thường là những dự án thuộc cơ sở hạ tầng như: đường xá, cầu cống, công trình phúc lợi,... xét về hiệu quả tài chính không được chấp nhận (NPVf<0), tuy nhiên, xét hiệu quả kinh tế xã hội lại là một dự án rất tốt và rất đáng được thực hiện (NPVE>0).
Ngược lại, một dự án do được khuyến khích, động viên bằng cách miễn thuế, trợ cấp, miễn tiền thuê đất và cơ sở hạ tầng, được ưu đãi về hạn ngạch, dễ dãi, thuận lợi về thủ tục hành chính..., khi thẩm định về mặt tài chính sẽ rất tốt (NPVf>0 ) nhưng lại là một dự án rất tồi về mặt hiệu quả kinh tế xã hội (NVPE<0 ).
(Theo Tài liệu Đầu tư nước ngoài, chuyên SV)