Chỉ số chứng khoán (Stock index) là gì? Phân loại và ứng dụng
Mục Lục
Chỉ số chứng khoán
Chỉ số chứng khoán trong tiếng Anh gọi là Stock index.
Chỉ số chứng khoán là thông tin thể hiện giá chứng khoán bình quân hiện tại so với giá bình quân thời kì gốc đã chọn. So sánh giá trị chỉ số giữa hai thời điểm khác nhau, ta được sự biến động giá giữa hai thời điểm đó.
Chỉ số chứng khoán là thông tin rất quan trọng đối với hoạt động của thị trường, của nhà đầu tư và các nhà phân tích kinh tế. Tất cả các thị trường chứng khoán đều xây dựng hệ thống chỉ số chứng khoán cho riêng mình.
Phân loại
Có nhiều phương thức phân loại chỉ số chứng khoán. Căn cứ vào loại chứng khoán mà chỉ số đó theo dõi, chỉ số chứng khoán có thể được phân loại như sau:
- Chỉ số giá cổ phiếu;
- Chỉ số giá trái phiếu;
- Chỉ số giá các sản phẩm phái sinh;
- Chỉ số giá kết hợp cổ phiếu và trái phiếu.
Trong từng loại chỉ số trên lại có thể phân loại theo các phương thức khác nhau. Ví dụ, chỉ số giá cổ phiếu có thể bao gồm chỉ số giá cổ phiếu niêm yết, chỉ số giá cổ phiếu OTC, chỉ số giá cổ phiếu do nhà nước nắm giữ, chỉ số giá cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn...
Hơn nữa, trong chỉ số giá cổ phiếu niêm yết còn có các chỉ số tổng hợp, chỉ số phân loại ngành, chỉ số phân loại theo vốn hóa thị trường, chỉ số phân loại theo sàn giao dịch, chỉ số phân loại theo mức độ thanh toán, chỉ số phân loại theo lợi nhuận của công ty...
Ví dụ khác, trong chỉ số giá trái phiếu có thể bao gồm chỉ số giá trái phiếu chính chủ, chỉ số giá trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá trái phiếu liên quốc gia...
Ứng dụng
- Đánh giá những điều chỉnh trong danh mục đầu tư
Với một danh mục đầu tư, để đạt hiệu quả tối đa, chủ đầu tư cần thường xuyên đánh giá hiệu quả danh mục đầu tư của mình, thêm vào những chứng khoán được đánh giá tốt và phù hợp với định hướng đầu tư cũng như loại bớt những chứng khoán bị đánh giá là không còn tốt hoặc không còn phù hợp.
Sau mỗi lần thay đổi cấu phần danh mục như vậy, nhà đầu tư cần căn cứ vào chỉ số chứng khoán của các chứng khoán trong danh mục để đánh giá lại hiệu quả của việc điều chỉnh của mình, và làm cơ sở đưa ra những quyết định tiếp sau.
- Xây dựng và giám sát Quỹ đầu tư chỉ số (index fund)
Chỉ số chứng khoán có tác dụng làm căn cứ để quĩ xây dựng mô hình danh mục đầu tư cũng như giám sát hoạt động của danh mục trong suốt quá trình đầu tư.
- Đo tỉ lệ hoàn vốn của thị trường
Đây là một trong những ứng dụng rất cơ bản và quan trọng của chỉ số chứng khoán. Thông thường, nhà đầu tư luôn muốn so sánh mức độ sinh lời (hoàn vốn) của danh mục đầu tư của mình với thị trường nói chung để đánh giá hiệu quả danh mục đầu tư của mình.
Để làm điều này nhà đầu tư thường sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường (ở Việt Nam là VN-Index và HNX-Index) để đại diện cho chỉ số cổ phiếu toàn thị trường.
- Dự báo sự biến động của thị trường trong tương lai
Bằng việc phân tích thống kê, hồi qui, tương quan... nhà đầu tư có thể căn cứ vào số liệu trong quá khứ của các chỉ số chứng khoán để dự đoán sự biến động trong tương lai của thị trường.
Các chỉ số chứng khoán thị trường có thể được sử dụng dể dự đoán sự biến động chung của toàn thị trường, trong khi đó các chỉ số chứng khoán các nhóm ngành lại có thể cung cấp những thông tin dự đoán sự chuyển dịch luồng vốn đầu tư giữa các nhóm ngành trên thị trường...
- Tính toán rủi ro hệ thống của tài sản
Thông thường, nhà đàu tư cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư có thể giảm thiểu được rủi ro phi hệ thống, lúc này có thể coi như chỉ còn rủi ro hệ thống tác động đến toàn bộ danh mục.
Khi đó bằng việc tính toán phương sai của chỉ số chứng khoán danh mục, nhà đầu tư có thể ước lượng được độ dao động của chỉ số chứng khoán, hay nói cách khác là ước lượng được rủi ro của toàn danh mục (rủi ro hệ thống gây ra)
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Phân tích Đầu tư Chứng khoán, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, PGS.TS. Trần Đăng Khâm, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)