Đường biên hiệu quả (Efficient Frontier - EF) là gì? Danh mục đầu tư tối ưu
Mục Lục
Đường biên hiệu quả
Khái niệm
Đường biên hiệu quả trong tiếng Anh là Efficient Frontier, viết tắt là EF.
Đường biên hiệu quả là tập hợp các điểm là các danh mục đầu tư mang lại lợi nhuận kì vọng cao nhất cho một mức rủi ro hay rủi ro thấp nhất cho mức lợi nhuận nhất định. Các danh mục đầu tư nằm dưới đường biên hiệu quả là không tối ưu vì chúng không mang lại đủ lợi nhuận bù lại mức rủi ro. Các danh mục đầu tư nằm bên phải đường biên hiệu quả là gần tối ưu vì chúng có mức rủi ro cao hơn cho một tỉ suất sinh lợi xác định.
Hiểu về đường biên hiệu quả
Đường biên hiệu quả xếp hạng các danh mục đầu tư theo thang đo lợi nhuận (trục y) so với thang đo rủi ro (trục x). Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) của một khoản đầu tư thường được sử dụng làm tỉ suất sinh lợi trong khi độ lệch chuẩn (hàng năm) đại diện cho rủi ro. Lí thuyết đường biên hiệu quả được giới thiệu bởi Nobel Harry Markowitz vào năm 1952 và là người phát triển lí thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT).
Trong kịch bản lí tưởng nhất, một nhà đầu tư tìm cách tăng các tài sản trong danh mục đầu tư với những chứng khoán mang lại lợi nhuận cao nhưng có độ lệch chuẩn tổng hợp thấp hơn độ lệch chuẩn của từng chứng khoán riêng lẻ. Chứng khoán càng ít đồng bộ (hiệp phương sai càng thấp) thì độ lệch chuẩn càng thấp. Nếu kết hợp tối ưu hóa lợi nhuận và mô hình rủi ro này thành công thì danh mục đầu tư đó sẽ xếp hàng dọc theo đường biên hiệu quả.
Ngoài ra, một ứng dụng quan trọng khác của đường biên hiệu quả là lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục đựa trên độ cong của đường biên hiệu quả. Việc xác định độ cong là không thể thiếu trong việc xác định sự đa dạng hóa có cải thiện rủi ro hay lợi nhuận của danh mục đầu tư không.
Nó cũng cho biết rằng việc thêm rủi ro vào danh mục đầu tư sẽ không thu được lợi nhuận tương đương khi đã đạt được điểm tối ưu. Các danh mục đầu tư tối ưu trên đường biên hiệu quả có xu hướng đa dạng hóa cao hơn so với các danh mục dưới tối ưu.
Danh mục đầu tư tối ưu
Một giả định quan trọng trong đầu tư là mức độ rủi ro cao hơn đem lại lợi nhuận tiềm năng cao hơn. Các nhà đầu tư chỉ chấp nhận mức độ rủi ro thấp thì mức lợi nhuận kì vọng cũng thấp. Theo lí thuyết của Markowitz, có một danh mục đầu tư tối ưu có thể được thiết kế với sự cân bằng hoàn hảo giữa rủi ro và lợi nhuận.
Danh mục đầu tư tối ưu không chỉ đơn giản bao gồm chứng khoán có lợi nhuận tiềm năng cao nhất hoặc chứng khoán rủi ro thấp. Danh mục đầu tư tối ưu cân bằng các tài sản đầu tư có lợi nhuận kì vọng lớn nhất với mức độ rủi ro hoặc chứng khoán với mức độ rủi ro thấp nhất.
Lựa chọn đầu tư
Giả sử một nhà đầu tư ưu thích rủi ro sử dụng đường biên hiệu quả để chọn các khoản đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chọn chứng khoán nằm ở phía bên phải của đường biên hiệu quả. Phần cuối bên phải của biên giới hiệu quả bao gồm các chứng khoán dự kiến sẽ có mức độ rủi ro cao cùng với lợi nhuận kỳ vọng cao, phù hợp cho các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao. Ngược lại, chứng khoán nằm ở phía bên trái của đường biên hiệu quả sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư không thích rủi ro.
Hạn chế
Lí thuyết danh mục đầu tư hiện đại và đường biên hiệu quả có nhiều giả định có thể không đúng với thực tế. Ví dụ, một trong những giả định là lợi nhuận tài sản đầu tư có phân phối chuẩn. Trong thực tế, chứng khoán có thể có lợi nhuận cao hơn ba độ lệch chuẩn so với giá trị trung bình trong hơn 0,03% quan sát thu được. Do đó, lợi nhuận tài sản được cho có phân phối leptokurtic hoặc phân phối đuôi nặng.
Ngoài ra, Markowitz cũng đặt ra một số giả định trong lí thuyết của mình, chẳng hạn như các nhà đầu tư là duy lý và họ cố gắng tránh rủi ro khi có thể; không có đủ nhà đầu tư để làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường; và các nhà đầu tư có quyền không giới hạn để vay và cho vay tiền với lãi suất phi rủi ro.
Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng thị trường bao gồm các nhà đầu tư phi lí và ưa thích rủi ro, có những người tham gia thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường và có những nhà đầu tư không có quyền vay và cho vay không giới hạn.
(Theo Investopedia)