Dự trữ ngoại hối nhà nước (Foreign exchange reserves) là gì?
Mục Lục
Dự trữ ngoại hối nhà nước (Foreign exchange reserves)
Dự trữ ngoại hối nhà nước, thường được gọi tắt là dự trữ ngoại hối hoặc dự trữ ngoại tệ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Foreign exchange reserves, hoặc forex reserves hoặc FX reserves.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 qui định: "Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong Bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước."
Các qui định chung về dự trữ ngoại hối nhà nước
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước về quản lí ngoại hối và hoạt động ngoại hối
- Quản lí ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo qui định của pháp luật
- Tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ
- Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối cho tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngoại hối
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp hạn chế giao dịch ngoại hối để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia
- Tổ chức, quản lí, tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lí ngoại hối và hoạt động ngoại hối theo qui định của pháp luật
Hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo qui định của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lí Dự trữ ngoại hối nhà nước
Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:
- Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài;
- Chứng khoán, giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành;
- Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quĩ tiền tệ quốc tế;
- Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lí;
- Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước quản lí Dự trữ ngoại hối nhà nước theo qui định của pháp luật về ngoại hối nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế và bảo toàn Dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước cho nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước; trường hợp sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước dẫn đến thay đổi dự toán ngân sách thì thực hiện theo qui định của Luật ngân sách nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kì và đột xuất về quản lí Dự trữ ngoại hối nhà nước.
Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lí Dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo qui định của Chính phủ.
Nguồn hình thành Dự trữ ngoại hối nhà nước
- Ngoại hối mua từ ngân sách nhà nước và thị trường ngoại hối
- Ngoại hối từ các khoản vay ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế
- Ngoại hối từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng
- Ngoại hối từ các nguồn khác
Mua, bán ngoại tệ giữa Dự trữ ngoại hối nhà nước với ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ qui định mức ngoại tệ Bộ Tài chính được giữ lại từ nguồn thu ngân sách để chi các khoản chi ngoại tệ thường xuyên của ngân sách nhà nước. Số ngoại tệ còn lại Bộ Tài chính bán cho Dự trữ ngoại hối nhà nước tập trung tại Ngân hàng Nhà nước. (Theo Pháp lệnh 28/2005/PL-UBTVQH11 qui định về hoạt động ngoại hối)