Du lịch tình nguyện (Volunteer Tourism) là gì?
Mục Lục
Du lịch tình nguyện
Du lịch tình nguyện trong tiếng Anh gọi là: Volunteer Tourism hay Voluntourism.
Du lịch tình nguyện là những chuyến đi du lịch với sự kết hợp mục đích nghỉ ngơi tham quan, tìm hiểu văn hóa với một số các hoạt động từ thiện, tình nguyện như bảo vệ môi trường, đóng góp tiền hoặc sức lao động trong việc xây dựng các trường học, các công trình xã hội…
Trong những năm gần đây, “du lịch tình nguyện” đã trở thành một trong những khái niệm không quá xa lạ.
Cần phân biệt rõ bản chất của hai khái niệm “hoạt động du lịch tình nguyện” và “du lịch tình nguyện”, trong đó, hoạt động du lịch tình nguyện là sự tham gia của cá nhân vào những dự án/ hoạt động tình nguyện có hướng du lịch ở các nước khác hay các vùng, khu vực khác ngoài nơi cư trú thường xuyên.
Ví dụ như những hoạt động hướng dẫn, phiên dịch của các tình nguyện viên từ các nước trên thế giới trong thế vận hội Olympic ở Trung Quốc (2008), World cup ở Nga (2018)…;
Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhằm bảo tồn loài rùa biển của Turtle Teams trải rộng trên toàn thế giới, hay dự án Appalachian Trail Confernce (Mỹ) – với các hoạt động nhằm giúp đỡ xây dựng con đường mòn dài 3200 km giữa núi Appalachia ở miền Đông nước Mỹ để gìn giữ thiên nhiên và bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi đây; các dự án giúp đỡ, dạy học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tình nguyện không hề tách rời khỏi khái niệm du lịch tình nguyện.
Nhưng từ việc phân biệt rõ bản chất của hai khái niệm này có thể thấy rằng, du lịch tình nguyện đang phát triển theo những hướng khác nhau, cụ thể như hoạt động tình nguyện có hướng du lịch – trong đó phần lớn thời gian khách du lịch (người tham gia tình nguyện) tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng địa phương, hay cải tạo môi trường.
Hoạt động này thường được thực hiện bởi các hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tình nguyện nhằm mục đích từ thiện và người tham gia không phải chi trả hoặc chi trả một phần chi phí trong chuyến đi.
Một hướng phát triển khác của du lịch tình nguyện là hoạt động du lịch có hướng tới các hoạt động thiện nguyện.
Trong đó khách du lịch tự chi trả chi phí cho chuyến đi của mình, phần lớn thời gian của tour vẫn là nghỉ ngơi, tham quan thắng cảnh, thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng, và có kết hợp với một vài hoạt động tình nguyện như quyên góp tiền, hiện vật, hay trực tiếp tham gia các công tác tình nguyện…
Dù là theo hướng nào, thì tựu chung lại chúng vẫn thuộc về loại hình du lịch tình nguyện.
Du lịch tình nguyện tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mô hình du lịch tình nguyện cũng đã bước đầu được khai thác ở những mức độ khác nhau, từ việc kết hợp đưa khách đến những vùng sâu vùng xa để tặng quà cho những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp tiền để xây dựng trường học cho trẻ em…, cho đến những chương trình, dự án thu hút tình nguyện viên giúp đỡ dạy tiếng Anh, và các kĩ năng cho các em học sinh ở vùng núi…
Điển hình như Tổ chức tình nguyện vì Giáo dục (VEO) hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp xã hội. VEO hướng tới 3 mục đích chính là cung cấp dịch vụ du lịch thuần túy cho khách hàng, mang đến những cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân cho đối tượng thanh thiếu niên và hỗ trợ cộng đồng.
Trong các chuyến trải nghiệm du lịch do VEO tổ chức, du khách sẽ dành 50% cho hoạt động cộng đồng gồm giáo dục, hỗ trợ sửa chữa điện, đường, trường, trạm, quảng bá du lịch địa phương.
VEO đã thực hiện các dự án vì cộng đồng tại Bản Cỏi (Phú Thọ), Sa Pa, Thác Bà (Yên Bái), Hà Thành (Hà Giang), biển Quy Nhơn. Có đến 70% lợi nhuận hàng năm được VEO tái đầu tư cho các dự án, chương trình cộng đồng tại các địa phương, điểm du lịch.
VEO đã thu hút gần 14.000 tình nguyện viên du lịch thường xuyên tham gia vào hoạt động của các dự án.
Doanh thu của VEO năm 2015 đạt 1,2 tỉ đồng, sang đến năm 2016 con số này là là 2,9 tỉ đồng và năm 2017 là 4,9 tỉ đồng. Đối tượng khách hàng của VEO chủ yếu là các bạn trẻ 18 – 24 tuổi, trong đó khoảng 10% khách hàng là du khách nước ngoài.
(Tài liệu tham khảo: Du lịch tình nguyện trong mối quan hệ với phát triển bền vững, TS. Phương Mai, Viện Nguyên cứu Phát triển Du lịch, 2019)