Dự án nhóm B (Group-B Project) là gì?
Mục Lục
Dự án nhóm B (Group-B Project)
Dự án nhóm B - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Group-B Project.
Luật Đầu tư công năm 2014 qui định như sau:
"Dự án nhóm B bao gồm:
1. Dự án thuộc lĩnh vực sau đây có tổng mức đầu tư từ 120 tỉ đồng đến dưới 2.300 tỉ đồng:
- Giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ;
- Công nghiệp điện;
- Khai thác dầu khí;
- Hóa chất, phân bón, xi măng;
- Chế tạo máy, luyện kim;
- Khai thác, chế biến khoáng sản;
- Xây dựng khu nhà ở;
2. Dự án thuộc lĩnh vực sau đây có tổng mức đầu tư từ 80 tỉ đồng đến dưới 1.500 tỉ đồng:
- Giao thông, trừ các dự án được qui định tại Luật Đầu tư công 2014;
- Thủy lợi;
- Cấp thoát nước và công trình hạ tầng kĩ thuật;
- kĩ thuật điện;
- Sản xuất thiết bị thông tin, điện tử;
- Hóa dược;
- Sản xuất vật liệu, trừ các dự án được qui định tại Luật Đầu tư công 2014;
- Công trình cơ khí, trừ các dự án được qui định tại Luật Đầu tư công 2014;
- Bưu chính, viễn thông;
3. Dự án thuộc lĩnh vực sau đây có tổng mức đầu tư từ 60 tỉ đồng đến dưới 1.000 tỉ đồng:
- Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;
- Hạ tầng kĩ thuật khu đô thị mới;
- Công nghiệp, trừ các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp theo qui định.
4. Dự án thuộc lĩnh vực sau đây có tổng mức đầu tư từ 45 tỉ đồng đến dưới 800 tỉ đồng:
- Y tế, văn hóa, giáo dục;
- Nghiên cứu khoa học, tin học, phát thanh, truyền hình;
- Kho tàng;
- Du lịch, thể dục thể thao;
- Xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở được qui định tại Luật Đầu tư công 2014.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B
Đối với dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, cơ quan trung ương thì trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư như sau:
1. Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm:
a) Giao đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
b) Giao đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư;
c) Chỉ đạo đơn vị qui định tại điểm a khoản này hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
3. Căn cứ ý kiến thẩm định người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, qui mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện. (Theo Luật Đầu tư công năm 2014)