Đồng tiền dự trữ (Reserve Currency) là gì?
Mục Lục
Đồng tiền dự trữ
Đồng tiền dự trữ trong tiếng Anh là Reserve Currency.
Đồng tiền dự trữ là tiền tệ được các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lưu giữ với số lượng lớn để chuẩn bị cho các khoản đầu tư, giao dịch và nghĩa vụ nợ quốc tế hoặc để tác động đến tỉ giá hối đoái trong nước.
Một lượng lớn các mặt hàng như vàng và dầu được định giá bằng đồng tiền dự trữ, khiến các quốc gia khác nắm giữ loại tiền này để thanh toán cho chúng.
Việc nắm giữ một loại tiền dự trữ giúp giảm thiểu rủi ro tỉ giá. Kể từ năm 1944, đồng đôla Mỹ đã là đồng tiền dự trữ chính được các quốc gia khác sử dụng. Do đó, các nước theo dõi chặt chẽ chính sách tiền tệ của Mỹ để đảm bảo rằng giá trị dự trữ của họ không bị ảnh hưởng xấu bởi lạm phát.
Quá trình đồng đôla Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ thế giới
Sau chiến tranh thế giới, Mỹ trở thành là cường quốc kinh tế thế giới. Đã có lúc, GDP của Mỹ chiếm 50% sản lượng của thế giới, do đó, việc đôla Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ thế giới là hợp lí.
Năm 1944, sau Thỏa thuận Bretton Woods, đại biểu của 44 quốc gia chính thức đồng ý chấp nhận đồng đôla Mỹ làm tiền tệ dự trữ chính thức. Kể từ đó, các quốc gia khác đã neo tỉ giá hối đoái của họ với đồng đôla. Bởi vì đồng đôla lúc đó được đảm bảo bởi vàng, nó tương đối ổn định, và cho phép các quốc gia khác ổn định tiền tệ của họ.
Ban đầu, các nước được hưởng lợi từ đồng đôla mạnh và ổn định, và Mỹ phát triển mạnh nhờ lợi thế về tỉ giá của đồng đôla. Tuy nhiên, khi Mỹ in thêm tiền để tài trợ cho chi tiêu của mình, lượng vàng đảm bảo cho đồng đôla Mỹ giảm dần. Việc tiếp tục in tiền vượt quá lượng vàng dự trữ khiến giá trị lượng dự trữ tiền tệ của các nước bị giảm.
Khi Mỹ tiếp tục in thêm tiền để tài trợ cho cuộc chiến leo thang tại Việt Nam và các chương trình Great Society, các nước trở nên thận trọng và bắt đầu chuyển đổi dự trữ đôla ra vàng.
Qui mô của việc chuyển đổi này lớn đến mức Tổng thống Nixon buộc phải dừng chế độ bản vị vàng, nhường chỗ cho tỉ giá hối đoái thả nổi như ngày nay. Ngay sau đó, giá trị của vàng tăng gấp ba lần và đồng đôla bắt đầu suy yếu.
Đồng đôla Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới, chủ yếu do các quốc gia đã tích lũy rất nhiều đôla Mỹ, và nó vẫn là phương tiện trao đổi ổn định và thanh khoản cao nhất, là loại tiền được chấp nhận phổ biến nhất trong thương mại quốc tế.
Đồng tiền dự trữ ngày nay
Năm 2010, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo đề xuất phát triển một đồng tiền toàn cầu, nhằm thay thế đồng đôla Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới, do sự bất ổn của giá trị đồng đôla Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Nhưng thay đổi vẫn chưa được thực hiện, và đôla Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ chính thức của thế giới và được nắm giữ nhiều nhất. Đồng euro là loại tiền dự trữ phổ biến thứ hai. Tháng 10 năm 2016, Quĩ Tiền tệ Quốc tế đã tuyên bố đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được coi là một trong các tiền tệ dự trữ chính thức.
(Theo investopedia)