1. Quản trị kinh doanh

Đổi mới công nghệ (Technological innovation) là gì? Yếu tố ảnh hưởng

Mục Lục

Đổi mới công nghệ

Đổi mới công nghệ trong tiếng Anh được gọi là technological innovation.

Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn nhằm cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả... (đổi mới quá trình) hoặc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường (đổi mới sản phẩm).

Đổi mới công nghệ có thể là phát minh hoặc ứng dụng công nghệ hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trên thị trường công nghệ (ví dụ: sáng chế công nghệ lọc nước nano thay thế công nghệ lọc nước RO).

Hoặc là ứng dụng công nghệ mới và trong điều kiện mới đối với tổ chức (ví dụ: đổi mới công nghệ thông qua việc nhận chuyển giao công nghệ).

Đổi mới công nghệ cũng có thể hiểu là sự đổi mới cách thức mà tổ chức thực hiện các hoạt động và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. 

Nội dung đổi mới

Đổi mới công nghệ bao gồm

- Đổi mới qui trình: là đổi mới cách thức thực hiện công việc nhằm thúc đẩy công việc được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn. 

Ví dụ: đổi mới qui trình nhuộm sợi tại một nhà máy dệt; đổi mới qui trình chế biến nguyên liệu tại một công ty chế biến thủy sản.

- Đổi mới trang thiết bị: là sự đổi mới các công cụ hoặc máy móc giúp con người giải quyết các vấn đề sản xuất và hoạt động. Trang thiết bị là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của công nghệ. 

Đổi mới máy móc, thiết bị, phương tiện giúp tổ chức tăng năng suất, hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Đổi mới trang thiết bị và công cụ thường đi liền với sự đổi mới kĩ thuật và phương pháp.

- Đổi mới con người: là sự đổi mới kiến thức, kĩ năng và các tố chất đạo đức của con người để có thể thích nghi và vận dụng qui trình mới, sử dụng trang thiết bị mới. 

Như đã trình bày ở trên, con người là một yếu tố cấu thành công nghệ, con người vận hành qui trình và sử dụng trang thiết bị. Do vậy bên cạnh đổi mới qui trình và trang thiết bị, cần đổi mới con người để có thể đảm bảo đổi mới công nghệ một cách toàn diện và đồng bộ.

Yếu tố ảnh hưởng

Các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới công nghệ

- Thị trường và khách hàng: Nếu thị trường và khách hàng của một sản phẩm nào đó được mở rộng sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ làm ra sản phẩm đó.

- Nhu cầu của môi trường: Thực tiễn và nghiên cứu cho thấy hầu hết đổi mới công nghệ xuất phát từ nhu cầu. 

Nhu cầu có thể xuất phát từ môi trường bên trong (thay đổi sản phẩm đòi hỏi đổi mới công nghệ, thay đổi chiến lược, lĩnh vực hoạt động...) và môi trường bên ngoài (môi trường vĩ mô như chính trị, luật pháp, xã hội, kinh tế, công nghệ... và môi trường ngành như khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, đối thủ cạnh tranh).

- Sức ép từ đối thủ cạnh tranh: Cạnh tranh cũng có tác dụng thúc đẩy đổi mới bởi khi đối thủ cạnh tranh đổi mới sản phẩm dịch vụ, đổi mới hoạt động marketing và nhất là đổi mới chiến lược kinh doanh sẽ có tác động ngay đến tổ chức. 

Khi đó tổ chức muốn tồn tại và phát triển cũng sẽ phải đổi mới để có thể cạnh tranh được với đối thủ của mình. Vì vậy nhiều khi tự đổi mới là một cách thức để tồn tại trong môi trường cạnh tranh.

- Hoạt động nghiên cứu và phát triển của tổ chức: Nghiên cứu và phát triển là một khâu quan trọng trong quá trình đổi mới. 

Cho đến nay, bốn thế hệ mô hình về đổi mới/ nghiên cứu và phát triển (Mô hình công nghệ đẩy; Mô hình thị trường/nhu cầu kéo; Các mô hình gắn kết; Các mô hình liên kết) đều cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa hoạt động đổi mới và hoạt động nghiên cứu và phát triển của tổ chức. 

Thực tiễn cũng cho thấy các tổ chức có tiềm lực lớn nghiên cứu và phát triển (nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực cho nghiên cứu và phát triển) sẽ khuyến khích đổi mới công nghệ.

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về đổi mới, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica) 

Thuật ngữ khác