Định giá hàng tồn kho (Inventory valuation) là gì?
Mục Lục
Định giá hàng tồn kho (Inventory valuation)
Định giá hàng tồn kho trong tiếng Anh là Inventory valuation.
Định giá hàng tồn kho là việc xác định giá trị bằng tiền phù hợp cho dự trữ nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm của doanh nghiệp.
Khi lạm phát làm cho giá nhiều lô hàng dự trữ đã mua trong thời kì kinh doanh có giá trị khác nhau, doanh nghiệp phải quyết định xem:
(1) Lấy giá trị bằng tiền nào để tính cho khối lượng dự trữ cuối kì trong bảng tổng kết tài sản
(2) Lấy chi phí nào để tính cho các đơn vị hàng hóa đã tiêu thụ trong các tài khoản của công ty. Quyết định này có liên quan trực tiếp tới chi phí hàng hóa tiêu thụ và lãi gộp.
Nội dung định giá hàng tồn kho
Các công thức định giá hàng tồn kho khác nhau được sử dụng để đánh giá dự trữ đem lại kết quả khác nhau của giá trị dự trữ trong bảng tổng kết tài sản và chi phí hàng hóa tiêu thụ.
- Phương pháp vào trước – ra trước (FIFO) - còn gọi là phương pháp nhập trước xuất trước giả định hàng hóa được rút ra khỏi dự trữ đúng theo thứ tự nhập hàng, cho nên chi phí hàng hóa tiêu thụ được tính dựa trên chi phí của những hàng hóa cũ nhất trong dự trữ còn giá trị dự trữ cuối kì được tính dựa trên giá của những lần mua hàng gần nhất.
- Ngược lại, phương pháp vào sau – ra trước (LIFO) - còn gọi là phương pháp nhập sau xuất trước giả định rằng những hàng hóa được mua sau cùng được rút ra khỏi dự trữ trước, cho nên chi phí của hàng hóa tiêu thụ được tính dựa trên chi phí của những lần mua hàng gần nhất, còn giá trị tồn kho cuối kì được tính dựa trên những hàng hóa cũ nhất còn nằm trong kho.
- Phương pháp vào sau – ra trước (phương pháp nhập sau xuất trước) đem lại kết quả cao hơn khi tính chi phí cho hàng hóa tiêu thụ, đại lượng này gần đúng hơn với chi phí thay thế của hàng hóa tiêu thụ, nhưng có xu thế đánh giá thấp giá trị của dự trữ cuối kì.
- Vì mục đích thận trọng, các doanh nghiệp có xu hướng đánh giá dự trữ theo chi phí hay giá trị thị trường, tức sử dụng giá thấp hơn để tránh thổi phồng lợi nhuận.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)