Điều kiện Marshall-Lerner (Marshall-Lerner condition) là gì?
Mục Lục
Điều kiện Marshall-Lerner (Marshall-Lerner condition)
Điều kiện Marshall-Lerner trong tiếng Anh là Marshall-Lerner condition.
Điều kiện Marshall-Lerner là điều kiện áp dụng cho hệ số co giãn giá của nhu cầu về hàng xuất và nhập khẩu. Điều kiện này phải được thỏa mãn nếu muốn thực hiện thành công chính sách phá giá hoặc tăng giá đồng tiền để loại trừ thâm hụt hay thặng dư cán cân thanh toán.
Bản chất
- Điều kiện Marshall-Lerner là một điều kiện quan trọng quyết định rằng sự sụt giảm của tỉ giá hối đoái sẽ làm cho cán cân thương mại cải thiện hay xấu đi. Điều kiện này được đề xuất bởi Alfred Marshall và Abba Lerner.
- Điều kiện Marshall-Lerner phát biểu rằng: Độ co giãn của cầu xuất khẩu và độ co giãn cầu nhập khẩu phải lớn hơn 1 để cán cân thương mại được cải thiện.
Nội dung của Điều kiện Marshall-Lerner
- Điều kiện để chính sách phá giá thành công là: Nhu cầu về hàng xuất khẩu và nhập khẩu phải co giãn đối với giá cả, tức hệ số co giãn của chúng phải lớn hơn 1.
+ Mức độ thành công của chính sách phá giá phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của lượng xuất nhập khẩu đối với những thay đổi giá cả do chính sách giá tạo ra. Nếu khối lượng xuất nhập khẩu tương đối co giãn đối với những thay đổi của giá cả, thì biện pháp phá giá sẽ thành công.
+ Sự gia tăng giá nhập khẩu làm cho lượng nhập khẩu giảm với mức độ lớn hơn và điều này làm giảm lượng ngoại tệ cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu; sự giảm giá xuất khẩu làm cho lượng xuất khẩu tăng với qui mô lớn hơn và điều này làm tăng lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu. Tác động tổng hợp của hai sự thay đổi này làm cho cán cân thanh toán được cải thiện.
- Ngược lại, nếu khối lượng nhập khẩu tương đối không co giãn đối với những thay đổi của giá cả (hệ số co giãn nhỏ hơn 1), chính sách phá giá sẽ thất bại.
Do giá nhập khẩu tăng với tỉ lệ cao hơn tốc độ giảm lượng nhập khẩu, nên lượng ngoại tệ cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu tăng, trong khi sự giảm sút của giá xuất khẩu làm giảm mức thu ngoại tệ từ xuất khẩu do tốc độ tăng xuất khẩu nhỏ hơn tốc độ giảm giá xuất khẩu.
- Một loạt các nhân tố khác cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách phá giá. Yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý là tính cơ động của nguồn lực, tức khả năng di chuyển nguồn lực từ các ngành khác sang ngành sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.
(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Marshall lerner condition, Breaking Down Finance)