1. Thị trường chứng khoán

Danh sách khó vay (Hard-to-borrow List) là gì? Đặc điểm

Mục Lục

Danh sách khó vay

Danh sách khó vay trong tiếng Anh là Hard-to-borrow List.

Danh sách khó vay là một bản ghi những cổ phiếu tồn kho được sử dụng bởi các nhà môi giới để chỉ ra những cổ phiếu nào khó vay cho các giao dịch bán khống. Danh sách khó vay của một công ty môi giới cung cấp một danh mục cập nhật các cổ phiếu không thể dễ dàng được vay để sử dụng cho một giao dịch bán khống.

Đặc điểm của Danh sách khó vay

Bán khống cổ phiếu được xây dựng trên quan niệm rằng một nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư cá nhân, muốn kiếm lợi nhuận từ việc giảm giá một cổ phiếu, có thể mượn cổ phiếu đó từ nhà môi giới. Các công ty môi giới có nhiều cách khác nhau để cung cấp quyền truy cập vào các cổ phiếu có thể được bán khống, nhưng bất kể phương thức của họ là gì, kết quả họ vẫn sẽ có số lượng cổ phiếu sẵn có để bán khống, và con số này là hữu hạn. 

Khi số lượng cổ phiếu sẵn có sắp hết, nhà môi giới sẽ phát hành một loại kí hiệu nào đó trên nền tảng của họ. Điều này cảnh báo cho các chủ tài khoản rằng nếu họ cố gắng bán chứng khoán đó, lệnh giao dịch của họ có thể bị từ chối.

Bằng cách này, một chứng khoán có thể nằm trong danh sách khó vay vì nó bị thiếu hụt nguồn cung, nhưng cũng có thể là do tính biến động cao hoặc các lí do khác. Để tham gia bán khống, trước tiên khách hàng môi giới phải mượn cổ phiếu từ nhà môi giới của mình. Để cung cấp cổ phiếu, nhà môi giới có thể sử dụng cổ phiếu của chính mình hoặc vay từ tài khoản kí quĩ của một khách hàng khác hoặc một công ty môi giới khác.

Các nhà đầu tư tham gia giao dịch bán khống cố gắng nắm bắt lợi nhuận trong một thị trường đang suy giảm. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể nghĩ rằng cổ phiếu của Apple có khả năng giảm giá. Nhà đầu tư có thể bán khống cổ phiếu và nếu giá giảm như dự đoán, thì nhà đầu tư mua lại để kiếm lợi nhuận. Nếu cổ phiếu tăng, thì ngược lại, nhà đầu tư mất tiền.

Qui tắc của Danh sách khó vay

Các công ty môi giới cập nhật danh sách khó vay của họ mỗi ngày. Một nhà môi giới phải có khả năng cung cấp hoặc định vị cổ phiếu để cho khách hàng vay trước khi thực hiện giao dịch bán khống của khách hàng. Qui định SHO, được thực hiện vào ngày 3/1/2005, có một điều kiện "định vị" đòi hỏi các nhà môi giới phải có niềm tin hợp lí rằng vốn dùng để bán khống có thể được vay và giao cho người bán khống. Qui định này nhằm ngăn chặn việc bán khống toàn bộ - trường hợp mà nhà đầu tư thực hiện bán khống mà không thực sự nắm giữ cổ phiếu.

So sánh Danh sách khó vay và Danh sách dễ vay

Danh sách khó vay trái ngược với danh sách dễ vay (Easy-To-Borrow List), là một bản ghi những chứng khoán sẵn có cho các giao dịch bán khống. Nói chung, một nhà đầu tư có thể cho rằng chứng khoán không có trong danh sách khó vay sẽ sẵn có để bán khống. Danh sách khó vay của một công ty môi giới thường là một danh sách nội bộ (danh sách không có sẵn cho khách hàng). Trong khi đó ngược lại, khách hàng của công ty thường có quyền truy cập vào danh sách dễ vay.

Khách hàng môi giới có thể phải trả các khoản phí khó vay khi bán khống. Thông thường, chi phí vay cổ phiếu trong danh sách khó vay cao hơn so với các cổ phiếu nằm trong danh sách dễ vay. Các công ty môi giới lớn thường có một bộ phận cho vay chứng khoán giúp tìm nguồn các cổ phiếu khó vay. Bộ phận cho vay chứng khoán của một nhà môi giới cũng cho vay chứng khoán cho các công ty khác.

(Theo Investopedia)

Thuật ngữ khác