Đăng kí kinh doanh (Business Registration) là gì? Trình tự thủ tục
Mục Lục
Đăng kí kinh doanh
Đăng kí kinh doanh trong tiếng Anh được gọi là Business Registration.
Đăng kí kinh doanh là thủ tục luật định nhằm khai sinh về mặt pháp lí cho công ty (thừa nhận tư cách pháp lí của công ty) và công ty sẽ được đảm bảo về mặt pháp lí kể từ khi hoàn tất thủ tục đăng kí kinh doanh.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc đăng kí kinh doanh được tiến hành tại toà án. Ở nước ta, theo qui định của Luật Doanh nghiệp, việc đăng kí kinh doanh cho công ty được thực hiện tại cơ quan đăng kí kinh doanh thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty đặt trụ sở chính.
Người thành lập công ty phải lập và nộp đủ hồ sơ đăng kí kinh doanh tại cơ quan đăng kí kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng kí kinh doanh.
Cơ quan đăng kí kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.
Trình tự và thủ tục đăng kí kinh doanh
Cơ quan đăng kí kinh doanh có trách nhiệm giải quyết việc đăng kí kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập công ty biết. Thông báo phải nêu rõ lí do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:
- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
- Tên công ty được đặt theo đúng qui định của pháp luật;
- Có trụ sở chính theo qui định của pháp luật;
- Có hồ sơ đăng kí kinh doanh hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng kí kinh doanh.
Công bố nội dung đăng kí kinh doanh (công khai hoá hoạt động)
Việc cung cấp đầy đủ thông tin về sự ra đời và hoạt động của các công ty nói riêng, doanh nghiệp nói chung là yêu cầu không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.
Việc công khai hoá hoạt động được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi đăng kí kinh doanh, công ty đã tự công khai hoá về mình, khách hàng có thể xem sổ đăng kí kinh doanh để nắm được các thông tin về công ty.
Trên bảng hiệu và giấy tờ giao dịch của công ty cũng phải ghi rõ ràng các thông tin cơ bản về công ty, tránh mọi sự nhầm lẫn trong công chúng. Đặc biệt công phải công bố nội dung đăng kí kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)