Đăng kí bảo hộ thương hiệu (Trademark registration) là gì? Mục đích đăng kí
Mục Lục
Đăng kí bảo hộ thương hiệu
Đăng kí bảo hộ thương hiệu hay gọi đầy đủ là đăng kí bảo hộ các yếu tố thương hiệu trong tiếng Anh được gọi là Trademark registration.
Đăng kí bảo hộ thương hiệu là việc xác lập quyền được pháp luật bảo hộ khi bị xâm phạm đối với các yếu tố thương hiệu.
Với rất nhiều chi phí bỏ ra để xây dựng được một thương hiệu mạnh, cộng với khoản lợi nhuận phong phú do thương hiệu mạnh mang lại thì doanh nghiệp cần phải xác định thương hiệu là tài sản và là tài sản lớn nhất của mình.
Để xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản thương hiệu, doanh nghiệp cần đăng kí bảo hộ thương hiệu để tránh những hành vi vi phạm quyền sở hữu đối với thương hiệu.
Từ thực tiễn kinh doanh, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng nền kinh tế càng phát triển, cạnh tranh càng gay gắt thì càng phải bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình để đảm bảo giữ vững và phát triển kinh doanh.
Khi đăng kí bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có quyền độc quyền sử dụng thương hiệu đã được đăng kí của mình, có quyền chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng thương hiệu sản phẩm, và quyền tiến hành hoạt động pháp lí chống lại những hành vi xâm phạm thương hiệu đã đăng kí.
Mục đích đăng kí
Đăng kí bảo hộ thương hiệu nhằm 5 mục đích cơ bản sau:
- Khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào trong nước: Các nhà đầu tư luôn lưu ý đến vấn đề bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ thương hiệu hàng hoá - "Tài sản vô hình" quan trọng của họ, nhất là đối với công ty đa quốc gia.
Nếu một nước kêu gọi đầu tư có một hệ thống pháp lí chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch trong việc bảo hộ thương hiệu, sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư hay chuyển giao công nghệ cho một quốc gia.
- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu thương hiệu: Để có một thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng, khắc sâu vào tâm trí khách hàng, doanh nghiệp phải tốn thời gian công sức và tiền bạc vào việc thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng cáo, quảng bá thương hiệu.
Thương hiệu mạnh là tài sản vô hình của doanh nghiệp, việc đăng kí bảo hộ thương hiệu sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.
- Bảo hộ lợi ích quốc gia: Đối với hàng hoá xuất khẩu, nếu mặt hàng này chưa được đăng kí bảo hộ thương hiệu hàng hoá tại nước sở tại, sẽ không thể chống lại nạn làm hàng giả, hàng nhái, khiến ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà xuất khẩu, hoặc có thể mất uy tín do hàng bị làm giả.
Trong những năm qua, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được ưa chuộng nhưng do chủ sở hữu thương hiệu hàng hoá chưa hiểu biết luật pháp nên đã không đăng kí bảo hộ thương hiệu.
Hậu quả là thương hiệu đã bị các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu lợi dụng, bắt chước chế tạo, dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu
- Thúc đẩy sáng tạo, đổi mới kĩ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh: Bảo hộ thương hiệu hàng hoá có tác dụng thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới kĩ thuật sản xuất, kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các thương hiệu, chứ không nhằm lợi dụng thương hiệu của doanh nghiệp khác để tiêu thụ hàng hoá của mình.
- Góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng: Giúp người tiêu dùng mua đúng thương hiệu đáng tin cậy, chống lại tệ nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Qua thương hiệu, người tiêu dùng biết được các thông tin cần thiết về hàng hoá mình lựa chọn như: xuất xứ, công dụng, tên nhà sản xuất... để có quyết định mua hàng đúng đắn.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị thương hiệu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)