Thiên lệch nhận thức muộn (Hindsight bias) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Thiên lệch nhận thức muộn
Thiên lệch nhận thức muộn trong tiếng Anh là Hindsight bias.
Thiên lệch nhận thức muộn là một hiện tượng tâm lí khi người ta đánh giá quá cao khả năng dự đoán của mình về một sự kiện. Thiên lệch nhận thức muộn có thể khiến một người tin rằng một sự kiện có thể dễ dự đoán hơn so với thực tế, và có thể dẫn đến sự đơn giản hóa về nguyên nhân và kết quả. Thiên lệch nhận thức muộn được nghiên cứu trong kinh tế học hành vi.
Đặc điểm của Thiên lệch nhận thức muộn
Thiên lệch nhận thức muộn thường hay xuất hiện trong đầu tư, vì áp lực về thời gian mua chứng khoán để tối đa hóa lợi nhuận thường có thể khiến các nhà đầu tư cảm thấy hối tiếc vì không nhận ra xu hướng trước đó. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể xem sự qua đời đột ngột và không lường trước được của một CEO quan trọng là điều đáng lẽ nên được lường trước vì vị CEO đó đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Thiên lệch nhận thức muộn cũng thường hay xuất hiện trong hiện tượng bong bóng tài chính. Sau bong bóng DotCom vào cuối những năm 1990 và Cuộc đại khủng hoảng năm 2008, nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã cố gắng chứng minh những sự kiện bình thường vào thời điểm đó thực ra lại là điềm báo cho những rắc rối tài chính trong tương lai. Nếu bong bóng tài chính là điều hiển nhiên đối với dân chúng, thì nó có thể đã được tránh hoàn toàn.
Các nhà đầu tư nên cẩn thận khi đánh giá việc các sự kiện trong quá khứ ảnh hưởng đến thị trường hiện tại như thế nào, đặc biệt là khi xem xét khả năng của chính họ trong việc dự đoán các sự kiện hiện tại sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của chứng khoán trong tương lai như thế nào. Việc tin tưởng rằng một người có thể dự đoán kết quả trong tương lai có thể dẫn đến sự tự tin thái quá, và sự tự tin thái quá này có thể dẫn đến việc chọn cổ phiếu không phải vì hiệu quả tài chính của chúng mà vì lí do cá nhân.
So sánh giữa Thiên lệch nhận thức muộn và Định giá nội tại
Như đã đề cập ở trên, thiên lệch nhận thức muộn có thể khiến các nhà đầu tư không có được sự phân tích khách quan về một công ty. Trong khi đó, bám sát các phương pháp định giá nội tại có thể giúp nhà phân tích đảm bảo rằng họ đang đưa ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố dữ liệu chứ không phải cá nhân. Giá trị nội tại đề cập đến nhận thức về giá trị thật của cổ phiếu, dựa trên tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp và có thể trùng hoặc không trùng với giá trị thị trường hiện tại.
Định giá nội tại thường sẽ tính đến các yếu tố định tính, chẳng hạn như mô hình kinh doanh của công ty, quản trị doanh nghiệp và thị trường mục tiêu, cùng với các yếu tố định lượng (ví dụ: các chỉ số và phân tích báo cáo tài chính) để xác định liệu giá thị trường hiện tại có chính xác hay nếu nó đang được định giá cao hay đánh giá thấp. Các nhà phân tích thường sử dụng mô hình dòng tiền chiết khấu (DCF) để xác định giá trị nội tại của công ty. DCF sẽ tính đến dòng tiền tự do của công ty và chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC).
(Theo Investopedia)