Đại lí hàng hóa hàng không (Air Cargo Agency) là gì?
Mục Lục
Đại lí hàng hóa hàng không (Air Cargo Agency)
Đại lí hàng hóa hàng không trong tiếng Anh là Air Cargo Agency. Đại lí hàng hóa hàng không là một trung gian rất cần thiết, làm cầu nối giữa một bên là chủ hàng và một bên là người chuyên chở/hãng hàng không.
Đặc trưng
- Đại lí hàng hóa hàng không có hai loại:
+ Đại lí hàng hóa của IATA (IATA Cargo Agent): là một đại lí giao nhận do một hãng hàng không thuộc IATA chấp nhận phù hợp với các tiêu chuẩn của FIATA.
+ Người giao nhận hàng không (Air Freight Forwarder): người giao nhận hàng không, có thể là đại lí hàng hóa hàng không của IATA hoặc không. Người này thường cung cấp dịch vụ gom hàng.
Phạm vi kinh doanh của đại lí hàng hóa hàng không
(1) Đại lí hàng hóa hàng không
- Tiêu chuẩn để trở thành đại lí hàng hóa hàng không:
Để nhận được đăng kí làm đại lí của IATA, người giao nhận phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
+ Chứng minh được khả năng kinh doanh hàng hóa hàng không
+ Có các phương tiện vật chất để kinh doanh kể cả trụ sở làm việc
+ Có đội ngũ nhân viên có chất lượng, trong đó phải có ít nhất hai chuyên gia đã được đào tạo để làm hàng nguy hiểm, đã qua được kì sát hạch thích hợp của IATA.
+ Có đủ nguồn tài chính
- Các dịch vụ mà đại lí hàng hóa hàng không không cung cấp:
*Đối với chủ hàng
+ Cung cấp phương tiện để nhận và gom các chuyến hàng xuất khẩu từ khách hàng.
+ Chuẩn bị các chứng từ về vận tải hàng không
+ Kiểm tra tính phù hợp của giấy phép xuất, nhập khẩu với qui định của Chính phủ
+ Đảm bảo rằng các giấy chứng nhận bao bì đối với hàng nguy hiểm phù hợp với qui định của FIATA và Chính phủ.
+ Lo liệu việc vận chuyển và đặt chỗ với hãng hàng không và lên kế hoạch giao hàng tại sân bay.
+ Mua bảo hiểm cho khách hàng và theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa
+ Làm tư vấn về vận tải cho các nhà xuất, nhập khẩu...
*Đối với hãng hàng không
Đại lí hàng hóa hàng không phải chuẩn bị để cho hàng hóa ở trong điều kiện "sẵn sàng vận chuyển" cụ thể là phải:
+ Phát hành vận đơn hàng không (AWB) theo chỉ dẫn của người gửi hàng.
+ Lập tất cả các chứng từ cần thiết đi theo AWB và kiểm tra các chứng từ đó trước mỗi chuyến hàng
+ Đánh kí mã hiệu, nhãn hiệu, ghi tên, địa chỉ của người nhận
+ Đóng gói hàng hóa một cách thích hợp cho việc xếp dỡ, vận chuyển.
Trách nhiệm của người đại lí đối với hãng hàng không kết thúc khi anh ta đã giao hàng và chứng từ cho người chuyên chở.
Người đại lí được hưởng một khoản hoa hồng 5% trên cước phí vận tải từ hãng hàng không.
(2) Người giao nhận hàng không
Ngoài các dịch vụ như đại lí hàng hóa hàng không, người giao nhận hàng không còn phải cung cấp các dịch vụ sau đây:
- Gom hàng:
Người giao nhận gom những lô hàng nhỏ của người gửi hàng có cùng nơi đến thành những lô hàng lớn để gửi cho hãng hàng không trên một vận đơn.
Đại lí của anh ta tại nơi đến sẽ nhận hàng và phân phối cho từng người nhận. Người này gọi là đại lí phân phối hàng lẻ (break bulk agent).
Bằng việc gom hàng, người giao nhận được hưởng giá cước thấp từ hãng hàng không. Khoản tiền chênh lệch này, người giao nhận cũng dành cho người gửi hàng một phần bằng cách thu cước theo giá thấp hơn mức cước mà người gửi hàng trực tiếp gửi hàng với hãng hàng không.
Khi gom hàng, người giao nhận sẽ cấp vận đơn của riêng mình là vận đơn gom hàng (House AWB).
- Dịch vụ đối với hàng xuất khẩu:
+ Theo dõi quá trình vận chuyển của hàng hóa, kể cả việc chuyển tải, tiếp gửi và giao hàng tại nơi đến cuối cùng.
+ Cung cấp các lô hàng lớn cho việc thuê cả chuyến máy bay
+ Ghi kí mã hiệu hàng hóa
+ Xếp hàng vào container để giao hàng cho hãng hàng không...
- Dịch vụ đối với hàng nhập khẩu:
+ Lo liệu việc giao hàng lẻ cho người nhận
+ Làm thủ tục hải quan và giao hàng
+ Cấp tiền để trả thuế nhập khẩu và hải quan
+ Lập chứng từ để tái xuất...
Trách nhiệm của người giao nhận kéo dài từ khi nhận hàng từ hãng hàng không đến khi giao hàng cho người nhập khẩu trong nội địa.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Logistics và vận tải quốc tế, NXB Thông tin và Truyền thông)