Công ước về vận chuyển đường sắt quốc tế (COTIF Convention) là gì?
Mục Lục
Công ước về vận chuyển đường sắt quốc tế (Convention Concerning International Carriage by Rail - COTIF)
Công ước về vận chuyển đường sắt quốc tế - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Convention Concerning International Carriage by Rail, viết tắt là COTIF.
Công ước về vận chuyển đường sắt quốc tế hay còn gọi là COTIF, là công ước quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ trong vận tải đường sắt quốc tế, được kí kết tại Bern ngày 09/5/1980, có hiệu lực từ ngày 01/5/1985.
Cho đến nay công ước COTIF có 37 nước châu Âu và Trung Đông tham gia. (Theo Intergovernmental Organisation for International Carriage by Rail - OTIF)
Nội dung công ước COTIF
Công ước COTIF gồm có 2 phần phụ lục A và B:
A: Những qui tắc thống nhất về hợp đồng chuyên chở hành khách liên hợp (CIV).
B: Những qui tắc thống nhất về hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt quốc tế (CIM). Qui tắc này dựa trên những qui định của công ước CIM (Công ước quốc tế về chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt) kí tại Bern ngày 07/02/1970.
Công ước COTIF biểu hiện thỏa thuận ở mức cao giữa pháp luật các nước hội viên và cho phép hàng hóa vận chuyển thông suốt giữa các nước này theo một chứng từ vận tải và trên cơ sở một hệ thống luật thống nhất.
Phạm vi áp dụng
Công ước COTIF được áp dụng cho bất kì hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt mà phát hành giấy gửi hàng và hành trình qua ít nhất hai quốc gia kí kết công ước và qua những tuyến đường hoặc dịch vụ được liệt kê ở trong công ước.
Trách nhiệm của người chuyên chở
Người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong khoảng thời gian kể từ khi nhận hàng để chở cho đến khi giao hàng. Đồng thời chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong vận chuyển.
Miễn trách
Người chuyên chở được miễn trách đối với hư hỏng, mất mát hàng hóa hoặc vận chuyển chậm trễ trong những trường hợp sau:
- Do hành động sai trái, chểnh mảng của chủ hàng;
- Ẩn tì của hàng hóa;
- Những hoàn cảnh mà đường sắt không thể tránh được và hậu quả của nó không thể phòng ngừa được.
Tuy nhiên người chuyên chở phải có trách nhiệm chứng minh các trường hợp đó.
Giới hạn trách nhiệm
- Gấp đôi so với công ước CMR, ngoài ra người chuyên chở phải bồi hoàn lại cước phí chuyên chở, phí hải quan và các loại phí khác phát sinh liên quan đến việc chuyên chở hàng hóa bị mất.
- Không quá 3 lần cước phí trong trường hợp chậm trễ.
Giống như công ước CMR, người chuyên chở trong công ước COTIF không được hưởng giới hạn trách nhiệm trong trường hợp cố ý thực hiện hành vi sai trái của mình. (Theo Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế, NXB Lao động Xã hội)