Công suất thừa (Excess Capacity) là gì? Nguyên nhân nào khiến cho công suất thừa?
Mục Lục
Công suất thừa (Excess Capacity)
Công suất thừa trong tiếng Anh là Excess Capacity.
Công suất thừa cho thấy nhu cầu về một sản phẩm là ít hơn so với số lượng mà doanh nghiệp có khả năng cung cấp cho thị trường. Khi một công ty đang sản xuất với qui mô đầu ra thấp hơn so với dự định, nó sẽ tạo ra công suất thừa.
Công suất thừa = Đầu ra tiềm năng - Đầu ra thực tế
Mặc dù thuật ngữ công suất thừa thường được sử dụng trong sản xuất, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho ngành dịch vụ. Nếu bạn thấy nguồn nhân lực nhàn rỗi, nó có thể ám chỉ rằng một công ty đang có công suất thừa.
Chẳng hạn trong ngành công nghiệp nhà hàng, có những nhà hàng thường xuyên có bàn trống, cùng với một nhân viên có vẻ nhàn rỗi. Sự không hiệu quả này cho thấy nhà hàng có thể chứa nhiều khách hơn, nhưng nhu cầu về nhà hàng đó không bằng công suất của nó.
Nguyên nhân nào khiến cho công suất thừa?
Công suất thừa có thể là do việc đầu tư quá mức, nhu cầu bị kìm nén, cải tiến công nghệ và những cú sốc bên ngoài như khủng hoảng tài chính, và các lí do khác. Công suất thừa cũng có thể phát sinh từ việc dự đoán sai thị trường hoặc phân bổ nguồn lực không hiệu quả. Để duy trì sức khỏe và cân bằng tài chính, quản lí của một công ty cần phải hài hòa giữa cung và cầu thực tế.
Tại sao công suất thừa lại quan trọng?
Mặc dù công suất thừa có thể cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh, tuy nhiên quá nhiều công suất thừa có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Nếu một sản phẩm không thể bán bằng hoặc cao hơn chi phí sản xuất thì số tiền bỏ ra ban đầu sẽ bị lãng phí.
Nếu bạn đóng cửa nhà máy vì thừa công suất, bạn sẽ bị mất việc làm và lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, nếu bạn tiếp tục làm sản phẩm, một là nó sẽ mãi ở trên kệ hoặc hai là sẽ được bán với giá thấp hơn chi phí để làm ra sản phẩm này.
Một công ty có công suất thừa khá lớn có thể mất số tiền khá lớn nếu doanh nghiệp không thể trả các chi phí cố định cao liên quan đến sản xuất. Nhìn vào khía cạnh khác, công suất thừa có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, vì công ty có thể sử dụng công suất thừa để cung cấp cho khách hàng mức giá chiết khấu đặc biệt.
Các công ty cũng có thể lựa chọn duy trì công suất thừa một cách có chủ ý như một phần của chiến lược cạnh tranh để ngăn chặn hoặc cạnh tranh với các công ty mới tham gia vào thị trường của họ.
Ví dụ thực tế: Trung Quốc
Kể từ năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua giai đoạn ba về công suất thừa. Các giai đoạn công suất thừa trước đó diễn ra trong những năm 1998 - 2001 và một lần vào những năm 2003 - 2006.
Mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2010, nhưng nó đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế bên trong và bên ngoài. Công suất thừa trong các ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, bao gồm thép, xi măng, nhôm, kính phẳng và đóng tàu là một trong những thách thức lớn nhất của quốc gia này.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)