Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed ledger technology - DLT) là gì?
Mục Lục
Công nghệ sổ cái phân tán (Distributed ledger technology)
Công nghệ sổ cái phân tán trong tiếng Anh là Distributed ledger technology, viết tắt là DLT.
Công nghệ sổ cái phân tán (DLT) là thuật ngữ đề cập đến cơ sở hạ tầng công nghệ sử dụng máy tính độc lập - gọi là nút (node) để ghi chép, chia sẻ và đồng bộ hóa các giao dịch trong sổ cái điện tử (thay vì lưu trữ dữ liệu tập trung như trong sổ cái truyền thống). (Theo: The World Bank)
DLT sử dụng mật mã (cryptography) - dùng thuật toán để mã hóa dữ liệu để đảm bảo chỉ người có quyền tham gia mới được sử dụng dữ liệu.
Hình dưới đây minh họa một mạng sổ cái phân tán. Trong đó, tất cả các nút được kết nối với nhau, mỗi nút có một bản sao của sổ cái phân tán. Thuật ngữ "Đồng thuận" (Consensus) ở trung tâm của mạng thể hiện cơ chế đồng thuận trong đó các nút đồng ý về các giao dịch mới và việc cập nhật sổ cái.
Mạng sổ cái phân tán
DLT có khả năng hỗ trợ xử lí các hợp đồng thông minh (smart contracts), các chương trình máy tính tự thực hiện dựa trên các điều khoản và điều kiện được qui định trước bởi các bên tham gia hợp đồng.
Ví dụ, việc thực hiện tự động các yêu cầu bồi thường bất ngờ cho các công cụ phái sinh và chuyển giao tài sản thế chấp tức thời trong trường hợp vỡ nợ.
Ứng dụng của sổ cái phân tán trong quản trị tài chính
1. Tiền mã hóa (Cryptocurrencies)
Tiền mã hóa (tiền kĩ thuật số, tiền điện tử) cho phép các bên giao dịch gần thời gian thực (near real-time) mà không cần đến trung gian (ví dụ như ngân hàng) và nó không tồn tại dưới dạng tiền mặt
Loại tiền này được phát hành bởi các cá nhân, công ty và các tổ chức khác. Hầu hết chúng sử dụng các hệ thống DLT mở, trong đó một sổ cái phân tán được sử dụng để ghi lại và xác minh tất cả các giao dịch tiền mã hóa.
Tiền mã hóa không được chính phủ công nhận. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nhận ra tiềm năng của chúng và nghiên cứu các phiên bản tiền mã hóa của riêng họ.
Việc phát hành tiền điện tử lần đầu (Initial coin offering - ICO) là một qui trình không được kiểm soát, theo đó các công ty bán tiền mã hóa của họ cho các nhà đầu tư để đổi lấy tiền định danh hoặc cho một loại tiền điện tử khác theo thỏa thuận.
So với việc phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO), ICO có chi phí phát hành thấp hơn và thời gian huy động vốn ngắn hơn. Tuy nhiên, hầu hết các ICO không có quyền biểu quyết kèm theo và đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư bị mất tiền do các đơn vị phát hành lừa đảo.
2. Token hóa (Tokenization)
Token hóa là quá trình thể hiện quyền sở hữu tài sản vật chất trên chuỗi khối (blockchain) hoặc sổ cái phân tán, DLT sẽ tạo một bản ghi kĩ thuật số duy nhất để xác minh quyền sở hữu và tính xác thực, bao gồm tất cả hoạt động trong quá khứ.
Các giao dịch liên quan đến tài sản vật chất có giá trị cao, như bất động sản, hàng hóa xa xỉ sẽ được hưởng lợi từ token hóa. Vì các giao dịch này thường tốn nhiều công sức, chi phí vì liên quan đến nhiều hồ sơ, giấy tờ giữa các bên.
3. Bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán (Post-trade clearing and settlement)
Trong thị trường tài chính - chứng khoán, qui trình sau giao dịch để xác nhận, bù trừ và thanh toán các giao dịch thường phức tạp, tốn nhiều công sức và liên quan đến nhiều bên (công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu kí chứng khoán...).
DLT tham gia qui trình bù trừ và thanh toán bằng cách cung cấp thông tin có độ trễ về thời gian rất nhỏ (near-real-time), do đó giảm độ phức tạp, giảm thời gian và chi phí liên quan đến xử lý giao dịch.
Việc đồng bộ hóa dữ liệu trong mạng lưới sẽ loại bỏ sự trùng lặp thông tin ghi chép giữa các bên. Giảm thời gian của việc thanh toán sẽ giảm thời rủi ro đối tác (Counterparty risk) và các giao dịch thất bại đồng thời tăng tính thanh khoản của tài sản và tiền.
4. Sự tuân thủ (Compliance)
Các nhà quản lý trên toàn thế giới đặt ra các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn về tính minh bạch các báo cáo của các công ty.
Để tuân thủ các qui định, các công ty cần duy trì và xử lí một lượng lớn dữ liệu liên quan đến rủi ro. Nền tảng DLT có thể lưu trữ những thông tin có tính nhạy cảm cao một cách an toàn đồng thời phát hiện ra hoạt động gian lận và hoạt động rửa tiền.
Khó khăn khi sử dụng DLT
Một số khó khăn tồn tại trước khi DLT có thể ứng dụng thành công trong ngành tài chính:
- DLT chưa được tiêu chuẩn hóa cũng như khó tích hợp với các hệ thống cũ
- Khả năng xử lý của DLT không cạnh tranh về mặt tài chính với các giải pháp hiện có
- Việc tăng quy mô của các hệ thống DLT đòi hỏi nguồn lưu trữ đáng kể
- Các giao dịch bị hủy bỏ chỉ có thể được hoàn tác bằng cách tạo một giao dịch tương tự
- DLT yêu cầu một lượng lớn máy tính nên sẽ tốn chi phí điện
- Các cơ quan quản lí sẽ có cách tiếp cận khác nhau tùy theo thẩm quyền.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình CFA level I năm 2019)