Cửa sông (River Mouth) là gì? Đặc điểm và hình thái
Mục Lục
Cửa sông (River Mouth)
Cửa sông - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là River Mouth.
Cửa sông là loại hình thuỷ vực được hình thành ở nơi sông đổ ra biển, nơi chuyển tiếp giữa sông và biển.
Dọc bờ biển Việt Nam có 114 cửa sông lớn nhỏ, hàng năm các sông đổ ra biển 880 tỉ m3 nước (riêng sông Hồng và sông Thái Bình 137 tỉ m3 , sông Mê Kông 520 tỉ m3 ) và 200 - 250 triệu tấn bùn cát (sông Hồng và sông Thái Bình 125 triệu tấn, sông Mê Kông 98 triệu tấn).
Trung bình hàng năm, mỗi km bờ biển Việt Nam nhận từ lục địa một khối lượng 267 triệu m3 nước và 69 nghìn tấn bùn cát. Vai trò của dòng chảy sông rất quan trọng với môi trường địa chất dải ven bờ. Mức độ sông suối đổ vào từng vũng-vịnh được chia làm 2 cấp: không đáng kể và đáng kể.
Đặc điểm và hình thái của cửa sông
Đặc điểm cơ bản
Cửa sông là vị trí tiếp giáp giữa sông với biển và sự trộn lẫn dần khối nước sông từ lục địa chảy ra và khối nước biển từ biển tràn vào. Ở vùng cửa sông, động lực sông có vai trò thống trị, ngoài ra còn có thể có sóng hoặc triều phối hợp.
Các hình thái
Về mặt hình thái, cửa sông có thể phân thành 3 kiểu chính:
1. Cửa sông châu thổ (Delta): Được hỉnh thành do sự bồi đắp của phù sa sông lấn ra biển, hệ lạch đưa trầm tích sông ra biển chiếm ưu thế. Châu thổ có 2 phần: phần nổi vùng triều và phần chìm, ra tới độ sâu 15 – 20m.
Cửa sông châu thổ có động lực sông thống trị, với sự phối hợp của các động lực sóng hoặc triều, có thể nửa kín hoặc hở. Cửa sông châu thổ thấy ở cả 3 vùng biển Bắc, Trung và Nam Bộ nước ta.
2. Cửa sông hình phễu (Estuary): là cửa sông nửa kín, có dạng phễu, bị ngập chìm không đền bù trầm tích. Trầm tích sông nước ngọt ưu thế, cửa vào hạn chế thu hẹp cửa sông, trầm tích biển ưu thế. Thuỷ triều ở đây có vai trò quan trọng. Cửa sông hình phễu điển hình ở nước ta là các cửa sông Bạch Đằng và Đồng Nai.
3. Cửa sông liman (Liman): Vùng ngập chìm không đền bù, ở vùng không có thuỷ triều hoặc thuỷ triều nhỏ với động lực sóng đáng kể và thường có doi cát chắn cửa. Cửa sông liman phổ biến ở Trung Bộ. (Theo Viện khoa học và công nghệ Việt Nam)