Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) là gì?
Mục Lục
Cơ chế phát triển sạch
Cơ chế phát triển sạch trong tiếng Anh gọi là: Clean Development Mechanism - CDM.
Cơ chế phát triển sạch là một cơ chế tài chính kĩ thuật có tác động giảm thiểu lượng phát thải các khí nhà kính (CO2, CH4, N20, CFC, và SF6) được đề xuất trên cơ sở Nghị định thư Kyoto.
Nghị định thư Kyoto được hình thành năm 1997 trên cơ sở Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, nhằm cung cấp khung pháp lí cho các nước, đặc biệt là những nước công nghiệp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của họ.
Thành quả chính của Nghị định thư Kyoto là xác định những chỉ tiêu giảm phát thải quốc gia ở các nước công nghiệp và thành lập 3 cơ sở để các bên của Nghị định thư Kyoto có thể mua bán quyền phát thải: cùng thực hiện, cơ chế phát triển sạch (CDM) và buôn bán phát thải quốc tế.
Trong các cơ chế này, CDM được xếp vào loại ưu tiên "bắt đầu ngay"
Theo cơ chế phát triển sạch, các quốc gia phát triển có mức phát thải khí nhà kính cao có quyền đầu tư kinh phí và công nghệ vào các nước đang phát triển để giảm thiểu 6 loại khí nhà kính và được quyền mua bán lượng khí nhà kính giảm thiểu được (lượng phát thải được chứng nhận) trên thị trường thế giới và quốc gia mình.
Các lĩnh vực hoạt động quốc tế
Các lĩnh vực hoạt động của dự án CDM được quốc tế chấp nhận hiện nay bao gồm:
- Lĩnh vực năng lượng: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi nhiên liệu, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo (gió, năng lượng mặt trời, thủy năng, sinh khối, ...)
- Thu hồi khí metan từ các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, từ hoạt động khai thác than, dầu khí ...
- Giao thông: đưa vào sử dụng giao thông công cộng, tàu điện ngầm, đường sắt hạng nhẹ ...
- Trồng mới và tái trồng rừng: trồng mới và tái trồng rừng thương mại, trồng cây ở cấp cộng đồng/xã...
Ỏ Việt Nam, các dự án CDM đang được tiến hành ở qui mô nhỏ, dưới dạng dự án thu hồi khí metan (CH4) từ các bãi chôn lấp rác sinh hoạt tại các thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa...), thu hồi khí CH4 và CO2 từ hoạt động khai thác than và dầu khí.
(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Quản lí Môi trường, Lưu Đức Hải, Phạm Thị Việt Anh, Nguyễn Thị Hoàng Liên, Vũ Quyết Thắng, Nhà xuất bản Giáo dục)