Cơ chế điều hành tỉ giá (Exchange Rate Management Mechanism) là gì?
Mục Lục
Cơ chế điều hành tỉ giá (Exchange Rate Management Mechanism)
Cơ chế điều hành tỉ giá trong tiếng Anh gọi là Exchange Rate Management Mechanism.
Cơ chế điều hành tỉ giá là sự kết hợp giữa hai chế độ tỉ giá cố định và thả nổi.
Phân loại
Theo sự phân loại của Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), có các loại cơ chế tỉ giá sau:
Cơ chế bản vị tiền (Currency board arrangements): Là cơ chế tỉ giá dựa trên một cam kết pháp lí để chuyển đổi đồng nội tệ sang một ngoại tệ ở tỉ giá cố định kết hợp với việc hạn chế cho phát hành tiền để thực hiện những cam kết đó. Trong cơ chế này, tỉ giá được ấn định, do vậy nó thể hiện rõ những ưu điểm và hạn chế của chế độ cố định.
Cơ chế tỉ giá cố định có điều chỉnh và qui định biên độ dao động
Trong cơ chế này, các nước cố định đồng tiền của mình (chính thức hoặc bán chính thức) với một hoặc một số đồng tiền chủ yếu. Tỉ giá được biến động trong một biên độ nhất định so với tỉ giá trung tâm. Cơ chế này yêu cầu xác định tỉ giá trung tâm và biên độ dao động với qui định tỉ giá trung tâm sẽ được thay đổi trong từng giai đoạn.
Các yếu tố thị trường thể hiện trong tỉ giá trung tâm càng nhiều, tỉ giá càng phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Đồng thời, biên độ dao động càng rộng, mức độ linh hoạt của tỉ giá càng lớn.
Khi tỉ giá trung tâm mang tính thị trường và biên độ dao động rất rộng, có thể hạn chế được sự can thiệp trực tiếp của ngân hàng trung ương trên thị trường hối đoái, để ngân hàng trung ương chủ động hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Đề cơ chế này hoạt động có hiệu quả, các quốc gia phải đưa ra các qui tắc khi nào cần thay đổi tỉ giá trung tâm (chẳng hạn khi lạm phát quá cao,...) và qui định biên độ cho phù hợp xuất phát từ yêu cầu quản lí tỉ giá trong từng thời kì.
Theo mức biên độ dao động, cơ chế này bao gồm: Cơ chế tỉ giá cố định với biên độ dao động hẹp và cơ chế tỉ giá cố định với biên độ dao động rộng.
Cơ chế tỉ giá trượt (Crawling pegs): Trong cơ chế này, tỉ giá được điều chỉnh theo định kì với tỉ lệ được thông báo trước hoặc tùy theo các chỉ số kinh tế được lựa chọn (tỉ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế, lãi suất...). Tỉ giá trung tâm được thông báo thay đổi thường xuyên theo định kì (chẳng hạn hàng tháng) cho đến khi tỉ giá đạt được mức cân bằng.
Với hệ thống này, thay vì phải giảm giá hoặc tăng giá đồng nội tệ một lần với mức độ lớn, ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh tỉ giá dần dần theo tín hiệu thị trường và các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần đạt được. Cơ chế này bao gồm:
- Cơ chế tỷ giá cố định trượt: Tỉ giá được điều chỉnh từng chút một theo định kì với tỉ lệ được thông báo trước hoặc tùy theo các chỉ số kinh tế được lựa chọn.
- Cơ chế tỉ giá biên độ trượt: Tỉ giá được giữ trong trong một giới hạn nhất định quanh tỉ giá trung tâm mà tỉ giá này được điều chỉnh định kì với tỉ lệ nhất định, có thông báo trước hoặc thay đổi theo các chỉ số kinh tế được lựa chọn.
Cơ chế thả nổi có quản lỉ không thông báo trước tỉ giá (Managed floating with no preannounced path for exchange rate)
Trong cơ chế này, tỉ giá được xác định theo quan hệ cung cầu trên thị trường và ngân hàng trung ương tác động đến sự biến động của tỉ giá thông qua sự can thiệp chủ động trên thị trường ngoại hối nhưng không cam kết hoặc thông báo trước về hướng điều chỉnh tỉ giá.
Do tỉ giá được xác định trên thị trường ngoại hối nên nó mang tính linh hoạt hơn, đồng thời cũng thể hiện vai trò quản lí của ngân hàng trung ương. Sự phát triển của thị trường ngoại hối là một yếu tố quan trọng để cơ chế này vận hành có hiệu quả.
Cơ chế tỉ giá thả nổi độc lập (Independent floating): Trong cơ chế này, tỉ giá do thị trường xác định, hoạt động mua bán của ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối nhằm can thiệp vào tỉ giá và ngăn cản sự biến động thái quá của tỉ giá nhưng không đặt ra một mức tỉ giá cụ thể cần đạt được. Tính linh hoạt của tỉ giá thể hiện rõ nhất trong cơ chế này.
Cơ chế tỉ giá không qui định đồng tiền pháp định riêng (Exchange rate arrangements with no separate legal tender)
Đồng tiền của nước khác lưu hành như đồng tiền pháp định duy nhất của một nước hoặc các nước thành viên của tổ chức tiền tệ quốc tế sử dụng chung một đồng tiền (như các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu). Với cơ chế này, điều hành tỉ giá của một nước theo qui định của nước khác hoặc các tổ chức tiền tệ quốc tế.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)