Chứng nhận hợp chuẩn (Certificate Standard) là gì?
Mục Lục
Chứng nhận hợp chuẩn (Certificate Standard)
Chứng nhận hợp chuẩn - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Certificate Standard.
Tiêu chuẩn là qui định về đặc tính kĩ thuật và yêu cầu quản lí dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Chứng nhận hợp chuẩn là việc đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
Qui định của pháp luật về chứng nhận hợp chuẩn
Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia.
2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
3. Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế;
b) Cơ quan nhà nước;
c) Đơn vị sự nghiệp;
d) Tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Loại tiêu chuẩn
1. Tiêu chuẩn cơ bản qui định những đặc tính, yêu cầu áp dụng chung cho một phạm vi rộng hoặc chứa đựng các qui định chung cho một lĩnh vực cụ thể.
2. Tiêu chuẩn thuật ngữ qui định tên gọi, định nghĩa đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
3. Tiêu chuẩn yêu cầu kĩ thuật qui định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
4. Tiêu chuẩn phương pháp thử qui định phương pháp lấy mẫu, phương pháp đo, phương pháp xác định, phương pháp phân tích, phương pháp kiểm tra, phương pháp khảo nghiệm, phương pháp giám định các mức, chỉ tiêu, yêu cầu đối với đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn.
5. Tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản qui định các yêu cầu về ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, hàng hoá.
Căn cứ xây dựng tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau đây:
1. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;
2. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kĩ thuật;
3. Kinh nghiệm thực tiễn;
4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia
1. Qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm qui hoạch, kế hoạch năm năm và kế hoạch hằng năm được lập trên cơ sở sau đây:
a) Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;
b) Đề nghị của tổ chức, cá nhân.
2. qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức lập và thông báo công khai để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt.
Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và thông báo công khai qui hoạch, kế hoạch đó trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày phê duyệt.
3. Trong trường hợp cần thiết, qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được sửa đổi, bổ sung theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc sửa đổi, bổ sung qui hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo qui định. (Theo Luật Tiêu chuẩn và qui chuẩn kĩ thuật năm 2006)