Chuẩn mực kiểm toán (Audit standards) là gì? Chuẩn mực GAAS
Mục Lục
Chuẩn mực kiểm toán
Chuẩn mực kiểm toán trong tiếng Anh được gọi là audit standards.
Chuẩn mực: là những nguyên tắc hay tiêu chuẩn tối thiểu để các thành viên tuân theo và làm cơ sở đánh giá chất lượng công việc.
Chuẩn mực kiểm toán: là những qui phạm pháp lí, là thước đo chung về chất lượng công việc kiểm toán và cơ sở điều tiết hành vi của kiểm toán viên và các bên liên quan theo hướng đạo và mục tiêu xác định.
Hình thức biểu hiện
Chuẩn mực kiểm toán có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, biểu hiện chủ yếu ở 2 hình thức cơ bản:
Luật kiểm toán: là những chế định cụ thể do Quốc hội ban hành, và chính phủ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Hệ thống chuẩn mực kiểm toán cụ thể: bao gồm những nguyên tắc cơ bản về nghiệp vụ và về việc xử lí các mối quan hệ phát sinh trong quá trình kiểm toán.
Ngoài ra, chuẩn mực kiểm toán cụ thể là những hướng dẫn, những giải thích về những nguyên tắc cơ bản để kiểm toán viên có thể áp dụng trong thực tế, để đo lường và đánh giá chất lượng công việc kiểm toán.
Những chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận phổ biến (Generally accepted auditing standards – GAAS)
Chuẩn mực kiểm toán chung được thừa nhận rộng rãi gồm mười chuẩn mực. Mười chuẩn này được chia thành 3 nhóm: nhóm chuẩn mực chung, nhóm chuẩn mực thực hành và nhóm chuẩn mực báo cáo.
- Nhóm chuẩn mực chung
Nhóm này gồm 3 chuẩn mực và được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của một cuộc kiểm toán. Chúng bao gồm các chuẩn mực đào tạo nghiệp vụ và sự thành thạo chuyên môn, tính độc lập, cũng như sự thận trọng nghề nghiệp thích đáng. Cụ thể:
+ Việc kiểm toán phải do một người hay một nhóm được đào tạo nghiệp vụ tương xứng và thành thạo chuyên môn như một kiểm toán viên thực hiện.
+ Trong tất cả các vấn đề liên quan tới cuộc kiểm toán kiểm toán viên phải giữ một thái độ độc lập.
+ Kiểm toán viên phải duy trì sự thận trọng nghề nghiệp đúng mực trong suốt cuộc kiểm toán (lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán).
- Nhóm chuẩn mực thực hành
Ba chuẩn mực thực hành này yêu cầu kiểm toán viên phải tuân thủ khi thực hiện công việc kiểm toán thực tế. Những chuẩn mực này đề cập tới việc lập kế hoạch và giám sát công việc kiểm toán, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thu thập đầy đủ các bằng chứng có hiệu lực. Cụ thể:
+ Phải lập kế hoạch chu đáo cho công việc kiểm toán và giám sát chặt chẽ những người giúp việc nếu có.
+ Phải hiểu biết đầy đủ về hệ thống kiểm toán nội bộ để lập kế hoạch kiểm toán và xác định nội dung, thời gian và qui mô của các thử nghiệm sẽ thực hiện.
+ Phải thu được đầy đủ bằng chứng có hiệu lực thông qua việc kiểm tra, quan sát, thẩm vấn và xác nhận để có được những cơ sở hợp lí cho ý kiến về báo cáo tài chính được kiểm toán.
- Các chuẩn mực báo cáo: Bốn chuẩn mực báo cáo cung cấp cho kiểm toán viên những chỉ dẫn để lập báo cáo kiểm toán.
Những chuẩn mực này nhấn mạnh về việc báo cáo kiểm toán phải đưa ra được những vấn đề có liên quan tới tuân thủ các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi, tính nhất quán, sự trình bày khai báo, và việc đưa ra ý kiến trên báo cáo kiểm toán. Cụ thể:
+ Báo cáo kiểm toán phải xác nhận bảng khai tài chính có được trình bày phù hợp với những nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi hay không.
+ Báo cáo kiểm toán phải chỉ ra các trường hợp không nhất quán về nguyên tắc giữa kì này với các kì trước.
+ Phải xem xét các khai báo trên bảng khai tài chính có đầy đủ một cách hợp lí không tra những trường hợp khác được chỉ ra trong báo cáo.
+ Báo cáo kiểm toán phải đưa ra ý kiến về toàn bộ bảng khai tài chính hoặc khẳng định không thể đưa ra ý kiến được kiến theo việc nêu ra lí do. Trong mọi trường hợp kí tên vào báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải nêu ra trong báo cáo đặc điểm cuộc kiểm toán và mức độ trách nhiệm của kiểm toán viên.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)