Chủ nghĩa tiêu thụ (Consumerism) là gì? Lợi ích và tác hại của chủ nghĩa tiêu thụ
Mục Lục
Chủ nghĩa tiêu thụ
Chủ nghĩa tiêu thụ trong tiếng Anh là Consumerism.
Chủ nghĩa tiêu thụ là lí thuyết cho rằng một quốc gia tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ với số lượng lớn sẽ có lợi cho nền kinh tế. Đôi khi, chủ nghĩa tiêu thụ được gọi là một chính sách khuyến khích lòng tham vì nó thường ủng hộ việc mua các sản phẩm mới nhất.
Bản chất của chủ nghĩa tiêu thụ
Chủ nghĩa tiêu thụ được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng, bao gồm các hoạt động như mua nhà cửa, xe cộ, điện thoại. Tiêu dùng là yếu tố đóng góp hơn 60% cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Khi người tiêu dùng bỏ tiền chi tiêu, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng doanh số, dẫn đến tăng doanh thu và lợi nhuận. Đổi lại, các công ty cũng chi tiền cho sản xuất, máy tính, xe tải và thuê nhân công để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm của họ. Các ngành công nghiệp phụ trợ và cả người tiêu dùng cũng được lợi.
Ví dụ, nếu doanh số bán ô tô tăng, lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô sẽ tăng. Tuy nhiên, các công ty sản xuất thép, lốp xe và bọc ghế cho ô tô cũng có doanh số tăng. Nói cách khác, chủ nghĩa tiêu thụ có thể dẫn đến lợi ích cho người tiêu dùng mà cả nền kinh tế nói chung.
Lợi ích của chủ nghĩa tiêu thụ
Những người ủng hộ chủ nghĩa tiêu thụ chỉ ra rằng chi tiêu của người tiêu dùng có thể thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nhờ vậy, Tổng sản phẩm quốc nội cũng được gia tăng.
Ở Mỹ, tín hiệu về nhu cầu tiêu dùng được thể hiện trong các chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp (hoặc những gì các công ty sản xuất) và tiêu dùng cá nhân.
Chủ nghĩa tiêu thụ có thể giúp nâng cao mức sống nhờ việc người lao động có việc làm ổn định và chi tiêu cho các mặt hàng khiến cuộc sống của họ thoải mái hơn. Số lượng việc làm tăng lên và người lao động có nhiều cơ hội khi tìm công việc mới. Do đó, tiền lương cũng có thể tăng do các công ty phải tranh giành người lao động.
Tác hại của chủ nghĩa tiêu thụ
Gia tăng tiêu dùng có thể dẫn đến dư thừa và gia tăng nợ hộ gia đình. Người tiêu dùng có thể trở nên quá lạc quan vào nền kinh tế và vay nợ nhiều bằng thẻ tín dụng để thoả mãn nhu cầu tiêu xài.
Ngoài ra, bất bình đẳng thu nhập thường có thể trở nên trầm trọng và phổ biến hơn khi một số người trong xã hội được hưởng lợi từ chủ nghĩa tiêu thụ thông qua các công việc mới và tốt hơn, dẫn đến tăng chi tiêu cho hàng hoá. Những người không có kĩ năng hoặc sự giáo dục cần thiết để thành công có thể cảm thấy bị bỏ lại phía sau, tạo ra sự phẫn nộ và căng thẳng.
Chủ nghĩa tiêu thụ cũng có thể dẫn đến chi tiêu quá mức của những người giàu có, ví dụ mua nhiều xe hơi, thuyền hoặc nhà. Một số người cho rằng chủ nghĩa tiêu thụ có thể dẫn đến một xã hội quá trọng vật chất, mà không có giá trị.
(Theo investopedia.com)