Chính sách tiền tệ phi truyền thống (Non-standard Monetary Policy) là gì?
Mục Lục
Chính sách tiền tệ phi truyền thống
Chính sách tiền tệ phi truyền thống trong tiếng Anh là Non-standard Monetary Policy hoặc Unconventional Monetary Policy.
Chính sách tiền tệ phi truyền thống là biện pháp được sử dụng bởi một ngân hàng trung ương hoặc cơ quan chức trách khác nằm ngoài các biện pháp truyền thống.
Chính sách tiền tệ phi truyền thống sử dụng các biện pháp nằm ngoài những phương pháp thông thường mà ngân hàng trung ương và các cơ quan tiền tệ khác sử dụng trong thời kì kinh tế gặp khó khăn. Trong thời gian này, hầu hết các phương pháp truyền thống hoặc thông thường trở nên vô hiệu.
Các chính sách tiền tệ truyền thống ngân hàng trung ương sử dụng bao gồm hoạt động thị trường mở để mua và bán chứng khoán chính phủ, thiết lập lãi suất qua đêm tiêu chuẩn, đặt tỉ lệ dự trữ ngân hàng và báo hiệu ý định cho công chúng.
Các công cụ của chính sách tiền tệ phi truyền thống
Trong giai đoạn suy thoái, ngân hàng trung ương có thể mua các chứng khoán khác trên thị trường mở ngoài trái phiếu chính phủ. Quá trình này được gọi là nới lỏng định lượng, được cân nhăc sử dụng khi lãi suất ngắn hạn ở mức bằng không hoặc gần bằng không.
Nới lỏng định lượng làm giảm lãi suất trong khi tăng cung tiền. Các tổ chức tài chính sẽ có thêm nhiều vốn để thúc đẩy cho vay và tăng thanh khoản. Tiền không được in thêm trong thời gian này.
Chính phủ cũng có thể đồng thời mua trái phiếu dài hạn và bán nợ dài hạn để tác động tới đường cong lợi suất, nhằm cố gắng thúc đẩy thị trường nhà đất được tài trợ bằng các khoản vay thế chấp dài hạn.
Chính phủ cũng có thể báo hiệu ý định giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn để tăng niềm tin của người tiêu dùng. Ngân hàng trung ương cũng có thể sử dụng chính sách lãi suất âm. Thay vì được nhận lãi cho tiền gửi của mình, người gửi tiền phải trả tiền cho các định chế tài chính khi gửi tiền.
Các vấn đề của chính sách tiền tệ phi truyền thống
Chính sách tiền tệ phi truyền thống có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nếu các ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng định lượng và tăng cung tiền quá nhanh thì có thể dẫn đến lạm phát. Lạm phát có thể xảy ra nếu có quá nhiều tiền trong hệ thống nhưng lượng hàng hóa có sẵn lại hạn chế.
Việc thực hiện chính sách lãi suất âm cũng có thể gây ra vấn đề do nó trừng phạt những người tiết kiệm bằng cách buộc họ phải trả tiền gửi.
Chính sách tiền tệ phi truyền thống trong thực tiễn
Có nhiều công cụ thuộc chính sách tiền tệ phi truyền thống chỉ được sử dụng trong khủng hoảng tài chính Mỹ kéo dài từ năm 2007 đến 2009 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra sau đó.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra các chính sách mạnh mẽ để ngăn chặn thiệt hại có thể lan rộng hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính, giảm lãi suất xuống gần bằng 0 để giúp tăng tính thanh khoản trên thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã bơm hơn 7000 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng trong các khoản vay khẩn cấp. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện chính sách lãi suất âm và thực hiện các giao dịch mua tài sản có giá trị lớn để giúp ngăn chặn ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
(Theo investopedia)