Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững là gì? Mục tiêu
Mục Lục
Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững
Khái niệm
Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable agricultural development policy.
Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững là chính sách bao gồm một hệ thống các nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp mà nhà nước áp dụng để điều chỉnh các hoạt động nông nghiệp của một quốc gia nhằm đạt được sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu chính sách phát triển nông nghiệp bền vững là:
- Tập trung vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh;
- Phát triển cơ sở hạ tầng;
- Nâng cao mức sống của dân cư nông thôn;
- Tăng cường hội nhập quốc tế ngành;
- Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường một cách bền vững và hiệu quả.
Tình hình các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam
- Chính sách đất đai, hướng tới sử dụng đất bền vững
Chính sách kiểm soát hành chính về đất đai, sự can dự trực tiếp của nhà nước vào cả thị trường đầu vào và đầu ra và một số thể chế cũ đã trở thành lực cản kìm hãm và hạn chế quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam.
Điều này đã làm cho nông nghiệp không theo được những hướng đi mới cần thiết để có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước khi Việt Nam đã là một nước có thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người là 2.587 USD năm 2018.
- Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp
Việt Nam rất coi trọng thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, coi ứng dụng khoa học công nghệ là đòn bẩy quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản có chất lượng và hiệu quả.
Gắn sản xuất với thị trường trong nước và quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao thu nhập trên một đơn vị ha đất canh tác, cải thiện đời sống của nông dân.
- Chính sách tái cơ cấu nông nghiệp
Mục tiêu của chính sách tái cơ cấu nông nghiệp là đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ và quản lí trong nông nghiệp.
Chuyển cạnh tranh bằng giá thấp với những hàng hóa chất lượng thấp, khối lượng nhiều sang cạnh tranh bằng giá cao hơn với chất lượng cao hơn và giá trị gia tăng cao hơn. Tái cơ cấu nông nghiệp là bước chuyển vô cùng quan trọng.
Các chính sách khác hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
- Chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
- Chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho nông nghiệp
- Chính sách bảo hiểm nông nghiệp
(Tài liệu tham khảo: Tổng luận số 7/2019, Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của một số quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam trong bối cảnh mới, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019)