Thanh lí tài sản (Asset Liquidation) là gì? Điều kiện thanh lí
Mục Lục
Thanh lí tài sản
Thanh lí tài sản trong tiếng Anh được gọi là Asset Liquidation.
Thanh lí tài sản là thủ tục được áp dụng nhằm mục đích phân chia một cách hợp lí và công bằng tài sản còn lại của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cho các chủ thể có quyền lợi liên quan.
Về nguyên tắc chung, thủ tục thanh lí tài sản sẽ được áp dụng nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không đủ căn cứ để được áp dụng thủ tục phục hồi, nhưng vần còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài sản ở mức độ nhất định.
Điều kiện thanh lí tài sản
Thẩm phán sẽ ra quyết định thủ tục thanh lí tài sản đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.
Trong trường hợp này, toà án ra quyết định mở thủ tục thanh lí tài sản của doanh nghiệp mà không cần phải triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng thủ tục phục hồi.
Trước khi thanh toán cho các chủ thể có quyền lợi liên quan, doanh nghiệp phải hoàn trả lại giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt cho Nhà nước.
- Hội nghị chủ nợ không thành trong những trường hợp sau:
Chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không tham gia hội nghị chủ nợ mà không có lí do chính đáng hoặc sau khi hội nghị chủ nợ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ hoặc đại diện người lao động;
Không đủ số chủ nợ theo qui định của pháp luật tham gia hội nghị chủ nợ sau khi hội nghị chủ nỡ đã được hoãn một lần nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ hoặc đại diện người lao động.
- Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất không đồng ý với dự kiến về các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ.
- Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất đồng ý với dự kiến về các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, và sau đó có một trong những căn cứ:
Doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để nộp cho toà án theo qui định;
Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
Doanh nghiệp thực hiện không đúng hoặc không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp các bên liên quan có thoả thuận khác.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)