Chính sách kinh tế đối ngoại (Foreign Economic Policy) là gì? Chức năng
Mục Lục
Chính sách kinh tế đối ngoại
Chính sách kinh tế đối ngoại trong tiếng Anh được gọi là Foreign Economic Policy.
Chính sách kinh tế đối ngoại là một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, công cụ và phương pháp mà Nhà nước áp dụng để quản lí các hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kì.
Các bộ phận cấu thành của chính sách kinh tế đối ngoại
Chính sách kinh tế đối ngoại là một bộ phận cấu thành trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Theo nội dung, chính sách kinh tế đối ngoại được chia thành chính sách ngoại thương, chính sách đầu tư nước ngoài, chính sách tỉ giá hối đoái, chính sách hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ…
Trong mỗi chính sách bộ phận trên lại chia thành nhiều chính sách khác, giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc vào nhau.
Chức năng
Chính sách kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia có 3 chức năng cơ bản như sau:
- Chức năng khuyến khích
Với chức năng này, chính sách kinh tế đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra nước ngoài, tham gia chủ động và mạnh mẽ vào phân công lao động mậu dịch quốc tế.
Khai thác triệt để lợi thế so sánh của nền kinh tế trong nước, thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực từ bên ngoài như nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lí tiên tiến nhằm phát triển nhanh và bền vững, năng động và có hiệu quả toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
- Chức năng bảo hộ
Với chức năng này, chính sách kinh tế đối ngoại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có khả năng đứng vững và vươn lên trong các hoạt động kinh doanh quốc tế, tăng cường sức cạnh tranh với hàng hoá và dịch vụ từ bên ngoài, tạo thêm việc làm và đạt tới qui mô tối ưu cho các ngành kinh tế, đáp ứng cho yêu cầu tăng cường lợi ích quốc gia.
- Chức năng phối hợp và điều chỉnh
Với chức năng này, chính sách kinh tế đối ngoại tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước thích ứng với sự biến đổi và vận động mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường thế giới.
Tham gia tích cực vào quá trình khu vực hoá và toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, thiết lập cơ chế điều chỉnh thích ứng trong điều kiện tỉ giá hối đoái thường xuyên thay đổi, tác động vào cán cân thanh toán quốc tế theo hướng có lợi cho mỗi quốc gia.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)