Tỉ lệ an toàn vốn (Capital adequacy ratio - CAR) là gì? Qui định pháp lí về tỉ lệ CAR ở Việt Nam
Mục Lục
Tỉ lệ an toàn vốn
Tỉ lệ an toàn vốn trong tiếng Anh là Capital adequacy ratio; viết tắt là CAR.
Tỉ lệ an toàn vốn là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.
Tỉ lệ an toàn vốn theo Basel
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng là một trong 5 ủy ban quan trọng của Ngân hàng thanh toán quốc tế được thành lập như một Ủy ban về thông lệ và thực hiện giám sát an toàn hoạt động ngân hàng bởi Ngân hàng Trung ương thuộc Chính phủ của 10 nước thuộc nhóm G-10 vào cuối năm 1974.
Những năm 80 của thế kỉ trước, trước sự sụt giảm về tỉ lệ vốn của các ngân hàng quốc tế và sự gia tăng rủi ro quốc tế liên quan đến các nước có tỉ lệ nợ lớn, được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên, Ủy ban đã đưa ra một hệ thống đo lường vốn được gọi là Hiệp ước Basel.
Hiệp ước này được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế. Đến nay, Ủy ban đã ban hành hiệp ước Basel III, Basel IV.
Qui định pháp lí về hệ số CAR ở Việt Nam
Những chuẩn mực quốc tế về đảm bảo an toàn hoạt động lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam sau 11 năm kể từ khi Basel I được ban hành.
Năm 1999, hệ số CAR đầu tiên được qui định tại Việt Nam theo Quyết định số 297/1999/QĐ - NHNN ngày 25/8/1999 ban hành qui định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng chính thức. Theo đó, Quyết định nêu rõ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% nhưng phương pháp tính đơn giản và chưa phản ánh đầy đủ nội dung Basel I.
Trước tình hình thế giới trải qua cuộc khủng hoảng và suy thoái kéo dài cùng với sự sụp đổ của một loạt các ngân hàng lớn trên thế giới, các ngân hàng Việt Nam cấp tín dụng quá lớn vào bất động sản và chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng tỉ lệ an toàn vốn lên 9% qua Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010, nâng cao hơn so với qui định tại Quyết định 457/2005/QĐ - NHNN là 1% và nâng trọng số rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng kinh doanh bất động sản và liên quan đến chứng khoán.
Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN, tỉ lệ an toàn vốn chi tiết theo 2 nhóm:
Trong đó, vốn tự có bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2.
Tài sản "Có" rủi ro là tổng giá trị tài sản "Có" xác định theo mức độ rủi ro và giá trị tài sản "Có" tương ứng của cam kết ngoài bảng theo hệ số chuyển đổi.
Thực trạng hệ số CAR của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, các NHTM cổ phần niêm yết là các NHTM có vị thế, có qui trình quản lí rủi ro và tuân thủ qui định của NHNN tốt nhất.
Số liệu ở Bảng 2 cho thấy, giai đoạn 2012-2016, hệ số CAR trung bình của hệ thống NHTM Việt Nam và các NHTMCP niêm yết đều đảm bảo qui định, lớn hơn 9%. Đồng thời, hệ số CAR của các NHTM có xu hướng tăng lên. Hệ số CAR tại của các NHTM Việt Nam có sự phân hóa rõ nét tại các NHTM lớn và các NHTM nhỏ.
Các NHTM lớn có hệ số CAR thấp hơn, các NHTM nhỏ có hệ số CAR cao hơn, có một số trường hợp cá biệt có giá trị CAR quá cao như: NCB và EIB có hệ số CAR gần 20%; Dong A Bank, Oceanbank và Saigonbank… có hệ số CAR trên 20%. Trong khi đó, các NHTM lớn như BIDV, CTG có hệ số CAR chỉ quanh mức yêu cầu 9%.
(Tài liệu tham khảo: Tạp Chí Tài Chính, ThS. Hoàng Thị Thu Hường – Học viện Tài chính)