Chính sách Abenomics (Abenomics) là gì? Nội dung của Chính sách Abenomics
Mục Lục
Chính sách Abenomics
Chính sách Abenomics trong tiếng Anh là Abenomics.
Abenomics là cách gọi để chỉ chương trình kinh tế đa hướng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thuật ngữ Abenomics là sự kết hợp giữa "Abe" là họ của thủ tướng Nhật Bản và từ "economics".
Abenomics đề cập đến các chính sách kinh tế do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ban hành ngay từ đầu nhiệm kì thứ hai của ông.
Chính sách Abenomics bao gồm việc tăng nguồn cung tiền quốc gia, tăng chi tiêu của chính phủ và tiến hành cải cách để làm cho nền kinh tế Nhật Bản tăng tính cạnh tranh. Báo The Economist gọi chính sách này là "hỗn hợp của sự phục hồi hệ thống tiền tệ, chi tiêu chính phủ và một chiến lược tăng trưởng được thiết kế để kéo nền kinh tế ra khỏi sự đình trệ đã kìm hãm nó trong suốt hơn hai thập kỉ."
Nội dung của chính sách Abenomics
Sau khi làm thủ tướng một thời gian ngắn từ năm 2006 đến 2007, Shinzo Abe bắt đầu nhiệm kì thứ hai vào tháng 12 năm 2012. Ngay sau khi quay lại vị trí, ông đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản.
Trong bài phát biểu sau cuộc bầu cử của mình, Thủ tướng Abe tuyên bố rằng ông và nội các của mình sẽ "thực hiện chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân, và với ba trụ cột này, sẽ thu được các thành quả."
Chương trình Abenomics, bao gồm ba mũi tên. Mũi tên đầu tiên bao gồm in thêm tiền - từ 60 nghìn tỉ yen đến 70 nghìn tỉ yen - để làm cho xuất khẩu của Nhật Bản hấp dẫn hơn và tạo ra mức lạm phát khiêm tốn khoảng 2%.
Mũi tên thứ hai là thiết lập các chương trình chi tiêu mới của chính phủ để kích thích nhu cầu và tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng ngắn hạn và để đạt được thặng dư ngân sách trong dài hạn.
Mũi tên thứ ba của chính sách Abenomics phức tạp hơn, xoay quanh việc cải cách nhiều qui định để làm cho các ngành công nghiệp Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn và khuyến khích đầu tư đến khu vực tư nhân, cũng như kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.
Điều này bao gồm cải cách quản trị doanh nghiệp, giảm bớt các hạn chế trong việc thuê nhân viên nước ngoài tại các khu kinh tế đặc biệt, giúp các công ty sa thải nhân viên làm việc kém hiệu quả, tự do hóa ngành y tế và thực hiện các biện pháp giúp đỡ các doanh nhân trong và ngoài nước.
Các luật được đề xuất cũng nhằm mục đích tái cấu trúc các ngành công nghiệp dược phẩm và các ngành phục vụ lợi ích công cộng, cũng như hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Quan trọng nhất có lẽ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, giúp Nhật Bản tăng khả năng cạnh tranh hơn thông qua thương mại tự do.
(Theo investopedia)