Chiến lược trọng tâm hóa (Focus strategy) là gì? Ưu điểm và hạn chế
Mục Lục
Chiến lược trọng tâm hóa
Chiến lược trọng tâm hóa trong tiếng Anh được gọi là focus strategy.
Chiến lược trọng tâm hóa chú trọng vào việc phục vụ một đoạn thị trường cụ thể, đoạn đó có thể được xác định theo tiêu thức địa lí, loại khách hàng, hoặc một nhánh của dòng sản phẩm.
Một khi đã chọn đoạn thị trường công ty có thể theo đuổi chiến lược tập trung thông qua hoặc khác biệt hóa sản phẩm hoặc chi phí thấp, về bản chất công ty tập trung là một nhà khác biệt hóa sản phẩm hoặc nhà dẫn đầu về chi phí chuyên môn hóa.
Vì qui mô nhỏ mà một số hãng tập trung có thể đồng thời theo đuổi sự dẫn đầu về chi phí và khác biệt hóa sản phẩm.
Nếu hãng tập trung sử dụng phương pháp chi phí thấp, tức là hàng đang cạnh tranh chống lại người dẫn đầu về chi phí trong các đoạn thị trường mà ở đó không có lợi thế chi phí.
Ưu điểm và nhược điểm của chiến lược
- Ưu điểm của chiến lược
Ưu điểm của chiến lược tập trung hóa là doanh nghiệp có thể tập trung nghiên cứu và thỏa mãn một nhóm nhất định nhu cầu thị trường và do tập trung vào một nhóm nhỏ nên doanh nghiệp có khả năng nắm bắt sự thay đổi nhu cầu và thay đổi nhanh chóng hơn để đáp ứng với sự thay đổi nhu cầu đó.
Một công ty trọng tâm hóa có thể có nhiều cách để phát triển lợi thế cạnh tranh và điều đó giải thích tại sao có quá nhiều công ty nhỏ so với công ty lớn.
Một công ty trọng tâm hóa có nhiều cơ hội để phát triển các hoạt động riêng của mình và cạnh tranh với các doanh nghiệp chi phí thấp và khác biệt hóa đang có xu hướng lớn hơn lên.
Chiến lược trọng tâm hóa tạo ra một cơ hội cho nhà kinh doanh tìm cách lấp đầy "khoảng trống" nhu cầu cần thiết của khách hàng.
Các lợi thế cạnh tranh của công ty trọng tâm hóa bắt nguồn từ nguồn gốc khả năng riêng biệt của nó – hiệu quả, chất lượng, đổi mới, hoặc tính thích nghi với khách hàng.
Nó được bảo vệ trước các đối thủ cạnh tranh ở chừng mực mà nó có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà các đối thủ không thể thực hiện được. Khả năng này cũng tạo cho người tập trung một sức mạnh đối với người mua vì họ không thể có được sản phẩm tương tự ở một nơi nào đó khác.
- Bất lợi của chiến lược
+ Tuy nhiên, công ty lại có những bất lợi khi đàm phán với nhà cung cấp do khối lượng và tần suất mua hàng nhỏ
+ Chi phí sản xuất thường cao hơn mức trung bình ngành do qui mô sản xuất nhỏ
+ Sự biến mất của nhu cầu do sự thay đổi công nghệ hay thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các loại chiến lược của doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)