1. Kinh tế học

Chiến lược Phát triển bền vững Quốc gia (National Sustainable Development Strategy – NSDS) là gì?

Mục Lục

Chiến lược Phát triển bền vững Quốc gia

Chiến lược Phát triển bền vững Quốc gia trong tiếng Anh được gọi là National Sustainable Development Strategy – NSDS. 

Chiến lược Phát triển bền vững Quốc gia được Uỷ ban Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững định nghĩa là một quá trình xử lí phối hợp liên tục và dân chủ các tư tưởng và hành động ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ ngành và các địa phương, để có thể lồng ghép một cách cân đối các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Thông qua Chiến lược Phát triển bền vững Quốc gia, các nước có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia cũng như khu vực. 

Chiến lược phát triển bền vững quốc gia bao gồm quá trình việc phân tích hiện trạng, soạn lập chính sách và kế hoạch hành động, thực hiện, giám sát và kiểm tra định kì. 

Chiến lược phát triển bền vững quốc gia với ý nghĩa là một quá trình lặp liên tục và có tính định kì, đặt trọng tâm vào cả quá trình quản lí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, không chú trọng tới bản thân việc xây dựng nên một văn kiện chiến lược.

Lợi ích

Tất cả các nước đều thu được lợi ích từ quá trình soạn lập chiến lược phát triển bền vững. Một chiến lược phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra quyết định của Chính phủ thông qua việc chỉ rõ các mục tiêu, mục đích và chính sách để thực hiện phát triển bền vững. 

Bên cạnh việc phân tích lồng ghép các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường một cách toàn diện, chiến lược cũng chỉ ra và đánh giá đầu đủ tác động của các lựa chọn chính sách.

Hơn nữa, chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp các quốc gia huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để phục vụ phát triển thông qua việc cung cấp thông tin cho dân chúng và cộng đồng các nhà tài trợ. 

Chiến lược cũng góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua việc chỉ ra các ưu tiên, mục tiêu và chương trình phát triển trên cơ sở tham vấn tất cả các nhóm chia sẻ lợi ích.

Ngoài ra, chiến lược phát triển bền vững còn góp phần giải quyết các xung đột lợi ích thông qua đối thoại và hoà giải, đồng thời xây dựng thể chế và nguồn lực con người để duy trì tăng trưởng bền vững và cải cách xã hội.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chất thải, GS. TS. Nguyễn Đình Hương, NXB Giáo dục)

Thuật ngữ khác