Chiến lược ổn định (Stable strategy) là gì? Các trường hợp theo đuổi chiến lược ổn định
Mục Lục
Chiến lược ổn định (Stable strategy)
Chiến lược ổn định trong tiếng Anh là Stable strategy. Chiến lược ổn định là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp duy trì qui mô và mức độ hoạt động kinh doanh hiện tại của mình.
Đặc trưng của chiến lược ổn định
- Chiến lược ổn định không đem lại sự phát triển nên không phải là chiến lược hấp dẫn các doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, khi không có điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững hoặc khi có nguy cơ suy giảm, doanh nghiệp cần tìm đến chiến lược ổn định để duy trì thế cân bằng không khoảng thời gian nhất định, làm cơ sở cho sự phát triển thiếp theo.
- Để ổn định và duy trì vị trí hiện nay của doanh nghiệp thì điều quan trọng là phải cố giữ mức đầu tư và sự cam kết ở các chức năng kinh doanh hoặc các đơn vị khác nhau.
- Khi thực hiện chiến lược này, trong suốt quá trình ổn định doanh nghiệp sẽ không làm những việc như tung sản phẩm mới ra thị trường, phát triển các chương trình mới hoặc tăng khả năng sản xuất.
Điều này không có nghĩa là các nguồn lực, các tiềm lực bà các năng lực chủ yếu của doanh nghiệp không thay đổi trong suốt quá trình ổn định mà thực chất chúng chỉ không mở rộng.
- Các doanh nghiệp thường sử dụng thời kì ổn định để đánh giá các hoạt động cũng như củng cố và thúc đẩy các nguồn lực, các tiềm lực và năng lực chủ yếu, thực chất tạo ra cơ hội cho việc trở lại mục đích phát triển và các thách thức chiến lược gắn với chiến lược riêng của doanh nghệp.
Các trường hợp theo đuổi chiến lược ổn định
- Các trường hợp doanh nghiệp phải tìm đến chiến lược ổn định thường là:
+ Khi ngành kinh doanh đang chững lại hoặc chậm phát triển, doanh nghiệp lựa chọn chiến lược ổn định để chờ cơ hội phát triển hoặc có thời gian chuẩn bị cho việc chuyển đổi chiến lược vào ngành kinh doanh mới.
+ Doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh đang ở giai đoạn chín muối của chu kì sống của ngành, trong hoàn cảnh này nếu như lợi nhuận và những kết quả thực hiện khác là thỏa đáng và nếu doanh nghiệp không thích mạo hiểm thì có thể lựa chọn chiến lược ổn định hơn là theo đuổi sự phát triển.
+ Các doanh nghiệp có qui mô nhỏ, tiềm lực yếu có thể đi sâu vào chuyên môn hóa để phục vụ các thị trường có qui mô nhỏ hoặc khi chi phí mở rộng thị trường quá cao hay doanh nghiệp gặp phải những biến động trên thị trường...
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính)